Saturday, February 28, 2015

Lời của học giả Nguyễn Hiến Lê

Năm nay tôi đã 69 tuổi, đương thu xếp để về Long Xuyên, dự định từ sang năm sẽ nghỉ ngơi chấm dứt hẳn công việc biên khảo, nêu có viết lách gì nữa thì cũng chỉ là chép ít hồi ký, ghi vài suy tư hoặc dịch ít trang sách. Vậy cuốn Kinh Dịch, đạo của người quân tử này là tập biên khảo cuối cùng của tôi (1).
Nhớ lại trên năm chục năm trước, hồi tôi mới vào trường Bưởi, mỗi vụ hè, Mẹ tôi cho tôi về Phương Khê (Sơn Tất) học thêm chữ Hán với Bác Hai tôi (2) để “đọc gia phả bên nội ngọai” như Người nói, thì ngay Bác tôi và tôi cũng cho sự học đó là một việc để tiêu khiển chớ không thể ngờ được hòan cảnh và thời cuộc khiến cho tôi vài chục năm sau thành một người nghiên cứu về cổ học Trung Hoa.
Tôi học với Bác tôi được hai vụ hè, tổng cộng độ ba tháng, biết được độ một ngàn chữ Hán rồi bỏ dở, một phần vì tôi mắc học thi, một phần vì Bác tôi già rồi, không dạy học nữa. Số vốn ngàn chữ đó chưa dùng được vào việc gì, nếu bỏ lâu chắc sẽ quên hết.
May sao, khỏang bốn năm sau, tôi ở trường Cao đẳng Công chánh ra, phải đợi sáu tháng mới được bổ, không biết làm gì cho qua ngày, tôi học lại chữ Hán. Lúc này tôi phải tự học trong bộ Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh và cuốn Grammaire Chinoise của Cordier, vì Bác tôi đã qui tiên, không còn ai để chỉ dẫn cho tôi.
Học như vậy được bốn năm tháng, biết thêm chừng hai ngàn chữ nữa, lõm bõm đọc xong được bộ Tam Quốc Chí diễn nghĩa (có lời bình của Thành Thán) thì được bổ vào làm việc trong Nam.
Vì có nhiều thì giờ rảnh, tôi kiếm mua được một ít sách Hán: Mạnh tử, Luật ngữ, Ẩm băng thất của Lương Khải Siêu, Nam du tạp ức của Hồ Thích, Cổ văn quan chỉ, vài cuốn Văn Học sử Trung quốc mò mẫm đọc lấy, chỗ nào không hiểu thì viết thư hỏi Bác Ba tôi ở đốc Vàng thượng, Long Xuyên.
Nhờ vậy tối vỡ nghĩa lần lần và năm 1953, nhờ Bác Ba tôi khuyến khích, hướng dẫn, tôi viết được bộ Đại cương Văn học sử Trung quốc, 3 cuốn. Bộ này tôi tự xuât bản năm 1955, biết rằng có nhiều sơ sót, nên xin lỗi trứơc độc giả và độc giả không ai nở trách mà còn cho là một tác phẩm đứng đắn, hữu ích vì là cuốn đầu tiên bằng tiếng Việt viết về văn học Trung quốc. Lần tái bản tôi có sửa lại.
Hai năm sau, năm 1957, tôi viết cuốn: Nho giao, một triết lý chính trị (tôi cũng tự xuất bản năm 1958).
Viết xong hai cuốn đó, tôi định bỏ hẳn khu vực cổ học Trung quốc mà sọan những sách về Việt Nam và phương Tây.
Nhưng thời cuộc khiến cho có cuộc di cư 1954, và nhờ cuộc di cư đó mà tôi được quen ông Giản Chi Nguyễn Hữu Văn. Ông quê ở làng Cót (gần Hà Nội), lớn hơn tôi sáu tuổi, hồi nhỏ học chữ Hán tới mười lăm tuổi, đậu bằng Khóa sinh rồi mới chuyển qua học tiếng Pháp, nên sức học về chữ Hán vững hơn tôi nhiều. Chúng tôi lần lần thân với nhau và năm 1962, tôi để nghị với ông viết chung bộ Đại Cương triết học Trung quốc, tài liệu do ông bạn Tạ Trong Hiệp ở Paris tìm mua giùm cho. Ông nhận lời, chúng tôi hăng hái bắt tay vào việc ngay, chưa đầy hai năm thì xong, nhà Cảo Thơm in thành hai cuốn năm 1965 và 1966.
Viết tuy mệt thật, nhưng càng đi sâu vào cổ học Trung Quốc tôi càng thích, tôi liên tiếp cho ra:
- Cổ Văn Trung Quốc – Tao Đàn 1966.
- Chiến Quốc sách – Viết chung với Giản Chi – Lá Bối 1968.
- Văn học Trung Quốc hiện đại từ 1898 tới 1960: 2 cuốn, tôi tự xuất bản – 1969.
- Sử Ký của Tư Mã Thiên, viết chungvới Giản Chi- Lá Bối 1970.
- Tô Đông Pha – Cảo thơm 1970.
- Dịch Nhân sinh quan và Thơ văn Trung Hoa của Lâm Ngữ Đường . Ca Dao 1970.
Bộ Đại cương Triết học Trung Quốc không sắp thành từng thời đại, từng môn phái như đa số các sách viết về triết học, mà chia thành từng vấn đề. Chẳng hạn về nhân sinh luận có những vấn đề tính, tâm, tình, dục, nhân nghĩa . . .mỗi vấn đề chúng tôi xét theo thứ tự thời gian: mới đầu thời Tiên Tần, ai là người đặt ra vấn đề, rồi tuần tự các triết gia đời sau bàn thêm về vấn đề đó ra sao, hoặc sửa đổi, thêm bớt, hoặc phản đối hay dung hòa ý kiến của người trước.
Cách trình bày đó mới mẻ, ở Trung Hoa chúng tôi mới thấy có Vũ Đồng trong bộ Trung quốc Triết học đại cương mà chúng tôi đã dùng làm tài liệu chính. Ở nước nhà, tác phẩm của chúng tôi cũng nhờ tính cách mới mẻ đó mà được độc giả hoan nghinh. Nhưng nó chỉ là một đại cương. Từ 1971, tôi muốn nghiên cứu riêng về thời Tiên Tần, thời rực rỡ nhất trong lịch sử triết học Trung Hoa, và định viết kỹ về mỗi triết gia chính, phân tích tư tưởng của họ, dịch trọn hoặc gần trọn tác phẩm của họ.
Đã có sẵn một số tài liệu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, rồi nhờ một bạn trẻ: Cô Thiên Mai, sinh viên du học ở Đài Bắc kiếm thêm cho tôi tất cả những sách bằng tiếng Trung Hoa xuất bản ở Đài Loan, Hương Cảng.
Năm 1972, tôi viết xong:
- Liệt Tử và Dương Tử - Lá Bối 1973.
- Nhà giáo họ Khổng – Cảo Thơm 1972.
Năm 1974 xong ba cuốn nữa:
- Mạnh Tử - Cảo Thơm đầu 1975.
- Tuân Tử - viết chung với Giản Chi – chưa kịp xuất bản thì chiến tranh chấm dứt, nước nhà được thống nhất.
- Trang Tử - chưa in, cuốn này bắt đầu viết từ 1973.
Sau ngày giải phóng, mặc dầu biết lọai sách này của chúng tôi không thể xuất bản trong mười năm sắp tới được, tôi cũng vẫn tiếp tục thực hiện cho xong chương trình đã họach định, rồi cứ để đó, không bao giờ in được cũng không sao. Tôi viết vì tôi muốn học thêm, mà tôi muốn học thêm vì tôi thích tinh thần nhân bản rất cao trong triết học thời Tiên Tần.
Tôi cặm cụi viết như trước ngày giải phóng, nhờ vậy từ 1975 đến nay, xong được sáu tập nữa, đều chưa in:
- Hàn Phi, viết chung với Giản Chi, 1975.
- Mặc học, dịch một phần bộ Mặc Tử 1976.
- Lão Tử, dịch trọn Đạo Đức Kinh, 1977.
- Khổng Tử, 1978. Tập này dài gấp năm cuốn nhà giáo họ Khổng và phân tích tư tưởng của triết gia họ Khổng về đạo đức, chính trị.
- Luận ngữ, dịch trọn bộ và chú thích, 1978.
- Sau cùng là Kinh Dịch, đạo của người quân tử, 1979.
Tôi kết thúc triết học Tiên Tần bằng tập này vì cho rằng dịch học phái trong thời Chiến Quốc đã biết lựa những tinh hoa của Nho và Lão, rồi dung hòa để vạch cho dân tộc Trung Hoa một phép xử thế khá cao thượng mà rất thực tiễ. Có thể nói Dịch Kinh và Dịch truyện đại biểu cho sự minh triết của dân tộc Trung Hoa thời cổ. Nó tổng hợp các triết thuyết chính thời Tiên Tần.
Nhìn lại quãng đường đã qua trong hai mươi bảy năm nay từ 1953, tôi thấy mới đầu tôi chỉ tính viết hai cuốn rồi ngưng vì tự biết Hán học không phải là sở trường của mình; nhưng nhờ gặp bạn, nhờ được độc giả khuyến khích, tôi đã mỗi năm tiến thêm một ít bước, rốt cuộc đã viết được 19 nhan đề về Cổ học Trung Hoa (không kể một cuốn dịch của Lâm Ngữ đường), trong số đó có 6 nhan đề về Văn học đều đã xuất bản và 13 nhan đề về triết học mà mới có 5 nhan đề đã xuất bản, còn 8 nhan đề chỉ là bản thảo. Có những nhan đề chỉ gồm trên trăm trang, nhưng cũng có nhan đề gồm nhiều tập, dày bảy tám trăm trang, trên ngàn rưỡi trang; trung bình là ba bốn trăm trang.
Như vậy chỉ nhờ mỗi một câu của Mẹ tôi: “con nhà Nho không lẽ không đọc được gia phả bên nội bên ngọai” khi nói với tôi như vậy, Người chỉ nghĩ đến công của tổ tiên, có ngờ đâu rằng, đã vô tình vạch cho tôi một hướng đi, tìm cho tôi một lẽ sống, tạo cho tôi một cuộc đời có ý nghĩa.
Hôm nay là ngày giỗ của Người, không khí chung quanh bàn thờ thật lạnh lẽo: về hàng con chỉ có hai vợ chồng tôi, về hàng cháu và chắt không có một ai. Nhưng mừng rằng còn được một nén hương trầm, một bình trà ngon của một bạn văn và một độc giả cho. Tôi ghi lại đấy mấy trang này để con cháu ở xa nhớ công Người: “Phúc đức tại Mẫu”.
Sài gòn, ngày Rằm tháng Ba năm Kỷ mùi (11-04-1979)


Nguyễn Hiến Lê

Chương 12

1. Phù Càn, thiên hạ chi chí kiện dã, đức hạnh hằng dị, dĩ tri hiểm. Phù Khôn, thiên hạ chi chí thuận dã, đức hạnh hằng giản, dĩ tri trở.
Dịch: Đạo Càn mạnh nhất trong thiên hạ, đức (đặc tính) của nó là làm việc gì cũng dễ dàng, bình dị, mà biết được chốn nguy hiểm. Ðạo Khôn nhu thuận nhất trong thiên hạ, đức của nó là đơn giản, mà biết được sự trở ngại.
Chú thích: so sánh tiết này với tiết 6 Chương 1 thiên Thượng.
2. Năng duyệt chư tâm, năng nghiên chư hầu chi (1) lự, định thiên hạ chi cát hung, thành thiên hạ chi vỉ vỉ dã.
Dịch: (Thánh nhân) biết vui trong lòng và tìm tòi trong ý nghĩ (cho nên) định được cát hung trong thiên hạ, và làm được những việc gắng gỏi trong thiên hạ.
Chú thích: (1) Hai chữ “hầu chi” này dư, chắc là chép lầm. Phan Bội Châu bỏ tiết này và hai tiết sau.
3. Thị cố biến hoá vân vi, cát sự hữu tường, tượng sự tri khí, chiêm sự tri lai.
Dịch: (Biết) biến hoá trong lời nói (1) và việc làm (biết) vì tốt có điềm lành, xem hình tượng mà biết cách chế đồ dùng, xem bói mà biết được tương lai.
Chú thích: (1) R. Wilhelm cơ hồ bỏ chữ “vân”, dịch là “Biến hoá đưa tới việc làm. J. Leggen dịch khác hẳn: trong các biến hoá, lời nói và việc làm, sự việc gì tốt đều có điềm lành.
Chúng tôi dịch theo lời giảng của chu Hi: “Biến hoá trong lời nói và việc làm, cho nên do việc xem hình tượng mà biết cách chế đồ dùng; việc tốt có điềm lành, cho nên xem bói mà biết được tương lai.”
Về việc xem hình tượng mà chế đồ dùng, xem lại chương 2, thiên Hệ từ hạ truyện này.
4. Thiên địa thiết vị, thánh nhân thành năng, nhân mưu quỉ mưu, bách tính dự năng.
Dịch: Trời đất đặt ngôi rồi, thánh nhân hoàn thành khả năng của mình (Kinh Dịch) nhờ vậy mà trăm họ được dự vào những lời khuyên (mưu tính) của người và của quỉ thần.
Chú thích: tiết này tối nghĩa, mỗi nhà hiểu một khác. Chúng tôi châm chước Chu Hi và J.Legge.
5. Bát quái dĩ tượng cáo, hào thoán dĩ tình ngôn. Cương nhu tạp cư nhi cát hung khả kiến hỉ.
Dịch: Bát quái lấy “tượng” mà bảo, những lời đặt ở sau các hào và các quẻ tùy hoàn cảnh, sự việc (tình) mà chỉ cho ta (1) Cứng mềm (các hào dương âm) lẫn lộn với nhau, do đó mà biết được cát hung.
Chú thích (1) Câu này có nghĩa là: thời thượng cổ, người ta chỉ xem hình tượng mỗi quẻ mà biết được tốt xấu; tới đời sau Văn Vương, chu Công mới đặt thoán từ, hào từ để giảng cho rõ.
6. Biến động dĩ lợi ngôn, cát hung dĩ tình thiên. Thị cố ái ố tương công nhi cát hung sinh, viễn cận tương thủ nhi hối lận sinh, tình ngụy tương cảm nhi lợi hại sinh. Phàm Dịch chi tình, cận nhi bất tương đắc tắc hung, hoặc hại chi, hối thả lận. Dịch: (Tiết này Chu Hi không giảng gì cả. Có hai cách hiểu, tôi dịch cả ra dưới đây).
a. Phan Bội Châu – Quái, hào, lấy lợi mà nói gì thì phải có biến động (vì có biến mới thông, có thông mới lợi), cát hung tùy ở tình người mà thiên chuyển (tĩnh mà thiện thì cát, ác thì hung).
Cho nên yêu ghét, hai tình đó xung đột nhau mà sinh ra cát, hung (xung đột, phía nào phải thì được, là cát); xa gần xâu xé nhau mà sinh ra hối tiếc, chân thật, giả dối đối đãi với nhau mà sinh ra lợi hay hại.
Tóm lại, cái tình tả trong Dịch là gần nhau mà không tương đắc nhau thì hung, hoặc mắc tổn hại, hối và tiếc. (Phan Bội Châu không dịch, chỉ giảng rất dài, non ba trang, chúng tôi tóm tắt lại như trên)
b) (R.Wilhelm và J.Legge hiểu đại khái như nhau. Chúng tôi lựa bản dịch của Wilhelm).
“biến và động được xét theo các lợi (mà chúng mang lại). Cát và hung thay đổi tùy theo điều kiện (conditions). Cho nên yêu và ghét xung đột nhau mà cát hung từ đó sinh ra (1). Xa và gần làm hại nhau mà hối và tiếc từ đó sinh ra (1). Chân và ngụy ảnh hưởng lẫn nhau mà lợi hại từ đó sinh ra. Mọi hoàn cảnh trong Kinh Dịch tóm lại như sau: khi sự vật gần nhau mà không hoà hợp với nhau thì hung: sinh ra hại, hối và xấu hổ!”
(1) Wilhelm giảng: “tùy theo các hào thu hút hay xô đẩy nhau mà cát hung sinh ra”.
Vậy Phan Bội Châu cho tiết này nói về tình người, R. Wilhelm và J.Legge hiểu là sự hoà hợp hay xung khắc của các hào, có thể gọi là “tình” của các hào.
Hai cách hiểu đó đều chấp nhận được. Phan Bội Châu thiên về đạo lý. R.Wilhelm và J.Legge chỉ xét sự tương quan của các hào. Có thể bảo hai nhà sau dịch sát còn Phan Bội Châu giảng và áp dụng vào xử thế.
7. Tương phản giả, kỳ từ tàm; trung tâm nghi giả, kỳ từ chi. Cát nhân chi từ quả; táo nhân chi từ da. Vu thiện chi nhân, kỳ từ du; thất kỳ thủ giả, kỳ từ khuất.
Dịch: Người nào sắp làm phản thì lời nói có ý thẹn; người nào trong lòng nghi ngờ thì lời nói nước đôi (1). Người tốt thì ít lời, người nóng nảy thì nhiều lời. Người giả dối (giả nhân nghĩa) thì lời nói không thực (2), người không giữ vững chí thì lời nói quanh co.
Chú thích: (1) Chi có nghĩa là cành; có người dịch là chia nhánh, hoặc tán loạn.
(2) du: Từ Hải giảng là trôi nổi, hư phù, không thực, có người dịch là bông lông, hoặc vòng vo.
(Chương cuối này tóm tắt và kết luận về ích lợi của Kinh Dịch).

Chương 10 và 11

Chương 10
 
1. Dịch chi vi thư dã, quảng đại tất bị: hữu thiên đạo yên, hữu nhân đạo yên, hữu địa đạo yên, kiêm tam tài nhi lưỡng chi, cố lục. Lục giả, phi tha dã, tam tài chi đạo dã.
Dịch: Sách Dịch bao là (rộng lớn) gồm đủ cả: có đạo trời; có đạo người, có đạo đất, gồm cả ba ngôi (tam tài là trời, người, đất) mà nhân hai lên, cho nên thành ra sáu hào. Sáu hào không có gì khác là đạo của ba ngôi.
Chú thích: Mỗi đơn quái có ba hào trỏ ba ngôi: hào trên cao là trời, hào giữa là người, hào dưới là đất. Một trùng quái gồm nội quái và ngoại quái, tức hai đơn quái, cho nên nói là “nhân hai lên thành sáu hào” .
Nhưng xét trọn trùng quái thì có khi người ta cho hào 5,6 là trời, hào 3, 4 là người, hào 1, 2 là đất.
2. Đạo hữu biến động, cố viết hào. Hào hữu đẳng, cố viết vật. Vật tương hạp cố viết văn. Văn bất đáng, cố cát hung sinh yên.
Dịch: đạo có thay đổi biến động, nên sáu vạch trong quẻ gọi là hào. Hào có bậc (cao thấp) trong quẻ, cho nên nó tượng trưng sự vật. Sự vật (cương nhu) xen nhau, cho nên có những đặc tính của mỗi hào. Đặc tính của mỗi hào có khi không thích hợp với vị trí của nó, cho nên mới sinh ra tốt xấu.
Chú thích: Tiết này rất tối nghĩa (Phan Bội Châu chỉ dịch mỗi câu đầu), mỗi người hiểu một khác. Chu Hi không giảng thế nào là “văn”. Chúng tôi miễn cưỡng dịch. Có lẽ bỏ, không dịch 3 câu sau như Phan Bội Châu thì hơn.
Chữ hào có nghĩa là (âm dương) giao nhau, sinh biến động.
 
Chương 11
 
Tiết độc nhất.
Dịch chi hưng dã. Kỳ đương Ân chi mạt thế, Chu chi thịnh đức da? Ðương Văn vương dữ Trụ chi sự da? Thị cố kỳ từ nguy. Nguy giả sử bình, dị giả sử khuynh, kỳ đạo thậm đại, bách vật bất phế. Cụ dĩ chung thủy, kỳ yêu vô cữu, thủ chi vị Dịch chi đạo dã?
Dịch: Đạo Dịch hưng thịnh lên (1) vào cuối đời nhà Ân, lúc đức nhà Chu đang thịnh ư? Vào lúc vua Văn Vương có chuyện với Trụ đấy ư? Vì vậy mà Thoán từ (của Văn vương) có giọng nguy sợ. Hễ có lòng nguy sợ thì (tìm cách) khiến cho nguy thành yên; mà (ngược lại) hễ có lòng khinh dị (coi thường) thì tự gây cho mình sự sụp đổ. (đạo trời như vậy mà) đạo Dịch (cũng vậy) thật to lớn, không bỏ một vật nào không xét tới (Biết) lo sự (thận trọng) từ đầu tới cuối là để không mắc lỗi, như vậy là đạo Dịch chăng?
Chú thích: (1) Tác giả chương này dùng chữ “hưng” có lẽ là ngầm bảo rằng dịch đã có từ trước (đời Phục Hi), đến đời Văn Vương mới thịnh lên.
(2) Ám chỉ vụ Văn Vương bị Trụ giam trong ngục Dữu Lý.

Chương 9

(Chương này Phan Bội Châu bỏ trọn)
1. Dịch chi vị thư dã, nguyên thủy yếu chung dĩ vi chất dã. Lục hào tương tạp, duy kỳ thời vật dã.
Dịch: Trong Kinh dịch mỗi quẻ bắt đầu từ hào sơ, kết thúc ở hào thượng, đó là đủ thẻ của quẻ. Sáu hào là sáu thành phần của quẻ, xen lẫn nhau, chỉ cho biết ý nghĩa tùy từng thời thôi.
Chú thích: Nghĩ là khi xét ý nghĩa của quẻ thì phải xem toàn thể sáu hào; khi xét mỗi hào thì chỉ biết sự biến chuyển vào một thời nào đó thôi.
2. Kỳ sơ nan tri, kỳ thượng di tri, bản mạt dã. Sơ từ nghĩ chi, tốt thành chi chung.
Dịch: Ý nghĩa hào sơ khó biết, ý nghĩa hào thượng dễ biết, vì hào sơ trỏ lúc đầu (chưa biết sự việc biến chuyển ra sao), hào thượng trỏ lúc cuối lúc mãn cuộc, mọi biến chuyển đã biết rõ rồi). Lời đoán hào sơ là lời đăn đo tính toán; kết quả tốt cuối mới biết.
3. Nhược phù tạp vật soạn đức, biện thị dữ phi, tắc phi kỳ trung hào bất bị.
Dịch: còn như muốn biết việc làm và tính cách của mỗi sự việc, phân biệt phải trái, thì phải xét (bốn ) hào ở giữa mới đủ được.
4. Y, diệc yêu (1) tồn vong cát hung, tắc cư khả tri hĩ. Trí giả quan kỳ thoán từ, tắc tự quá bán hĩ.
Dịch: Ôi, muốn biết (1) về sự mất còn, tốt xấu có thể dễ dàng (2) biết được. Kẻ sáng suốt (trí) xem lời thoán từ (lời đoán toàn quẻ) thì nghĩ ra được quá nửa rồi.
Chú thích: (1) chữ yêu ở đây R. Wilhelm đọc là yếu, nghĩa là quan trọng ,và dịch: cái điều quan trọng nhất về mất còn, tốt xấu.
(2) chữ cư 居 này chúng tôi đoán nghĩa như vậy, không biết đúng không.
5. Nhị dữ tứ đồng công nhi dị vị, kỳ thiện bất đồng. Nhị đa dự, tứ đa cụ, cận dã. Nhu chi vi đạo, bất lợi viễn giả, kỳ yếu vô cữu kỳ dụng nhu trung dã.
Dịch: Hào 2 và hào 4 cùng “công” (cùng ở vị trí ngẫu – chẵn – tức 2 và 4) mà khác bậc (cao thấp khác nhau: 2 ở dưới, 4 ở trên) cái hay do đó cũng khác nhau. Hào 2 được nhiều tiếng khen, hào 4 thì nhiều sợ hãi (vì hào 4 ở gần hào 5 là gần vua). Một hào nhu (nghĩa là ở vị trí ngẫu) mà ở xa (1) thì không lợi, nhưng điều quan trọng là khỏi bị lỗi, mà (hào 2) được lợi là nhu thuận mà đắc trung (2) (do đó không bị lỗi).
Chú thích: (1) Ở xa hào 5, xa vua.
(2) Trong mỗi quẻ, hào 2 ở giữa nội quái và hào 5 ở giữa ngoại quái, gọi là đắc trung, tốt. Coi phần I, chương IV.
6. Tam dữ ngũ đồng công nhi dị vị, tam đa hung, ngũ đa công, quí tiện chi đẳng dã. Kỳ nhu nguy, kỳ cương thăng (1) da?
Dịch: Hào 3 và hào 5 cùng “công” (công ở vị trí cơ – lẻ - tức 3 và 5) mà khác bậc (3 ở thấp, 5 ở cao). Hào 3 gặp nhiều cái xấu, hào 5 làm được nhiều việc lớn, là do sang hèn khác nhau. Ở vị trí cơ, nhu nhược thì nguy, cương cường mới kham được chăng?
Chú thích: R. Wilhelm và J.Legge đều đọc là thắng và dịch là thắng. Theo Chu Hi thì phải đọc là thăng.

Chương 8

1. Dịch chi vi thư dã bất khả viễn.
Vi đạo dã lũ thiên
Biến động bất cư,
Chu lưu lục hư,
Thượng hạ vô thường,
Cương nhu tương dịch
Bất khả vi điển yếu,
Duy biến sở thích.
Dịch:
Sách dịch không thể quên (1)
Đạo Dịch thường biến thiên.
Biến động không ngừng.
Xoay quanh sáu cõi (2)
Thăng giáng không nhất định (3)
Cương nhu (dương âm) thay nhau.
Không dùng làm khuôn mẫu bất dịch được (4)
Có biến hoá mới thích hợp.
Chú thích: Tiết này có âm tiết, có vần gần như thơ, đại ý bảo Dịch là Biến Dịch.
(1) Không thể quên hay không thể rời được vì Dịch là sách hướng dẫn ta trong mọi việc hằng ngày. Có người hiểu là Dịch không xa rời âm dương được. vì căn bản của Dịch là âm dương.
(2) Lục hư ở đây có thể hiểu là 6 hào trong mỗi quẻ.
(3) Vì “dương” thẳng mà cương có khi giáng; âm giáng cũng có khi thăng.
(4) Điểm yếu là khuôn mẫu bất dịch cho mọi việc mọi thời được.
2. Ký xuất nhập dĩ độ,
Nội ngoại sử tri cụ.
Dịch: (Dịch) ra vào có chừng mực.
(việc) trong (việc) ngoài, (Dịch) khuyên ta phải thận trọng.
Chú thích: Tiết này tối nghĩa, e sót chữ hay lầm Phan Bội Châu không dịch.
3. Hựu minh ư ưu hoạn dữ cố,
Vô hữu sư bảo,
Như lâm phụ mẫu.
Dịch: (Dịch) lại làm cho (ta) rõ sự lo lắng và nguyện ước.
(Cho nên) ta tuy không có thầy mà như được cha mẹ săn sóc (vì có Kinh Dịch) .
Chú thích: tiết này Phan Bội Châu cũng bỏ.
3. Sơ suất kỳ từ nhi quĩ kỳ phương.
Ký hữu điển thường,
Cẩu phi kỳ nhân,
Đạo bất hư hành.
Dịch: Mới đầu do lời (Thoán từ, Hào từ) mà đắn đo ý nghĩa,
Khi thấy qui tắc rồi,
Nhưng nếu không phải là người (sáng suốt) thì cũng không thi hành đạo (dịch) được.
Chú thích: Hai câu cuối có thể hiểu là:
Nhưng nếu không có người (sáng suốt)
Thì đạo (Dịch) không thể sáng tỏ được.

Chương 7

1. Dịch chi hưng dã, kỳ ư trung cổ hồ? Tác Dịch giả kỳ hữu ưu hoạn hồ?
Dịch: Đạo dịch hưng thịnh lên ở thời trung cổ chăng? Người làm Dịch có điều ưu tư lo lắng đấy chăng?
Chú thích: tiết này ám chỉ thời Văn Vương, Văn Vương bị Trụ giam ở ngục Dữu Lý mà đặt ra Thoán từ cho mỗi quẻ.
2. Thị cố, Lý, đức chi cơ dã; Khiêm, đức chi bính dã; Phục, đức chi bản dã; Hằng, đức chi cố dã; Tổn, đức chi tu dã; Ích, đức chi dụ dã; Khốn đức chi biển dã; Tỉnh, đức chi địa dã; Tốn, đức chi chế dã.
Dịch: Quẻ Lý là cái nền của đức, quẻ Khiêm là cái cán của đức, quẻ Phục là gốc của đức; quẻ Hằng là cái bền vững của đức; quẻ Tổn là sự trau giồi đức; quẻ Ích là sự nẩy nở đầy đủ của đức; quẻ Khốn là để nghiệm xem đức cao hay thấp; quẻ Tỉnh là sự dày dặn của đức; quẻ Tốn là sự chế ngự đức (cho nó thuần thục, linh hoạt).
Chú thích: tiết này nói về chín quẻ giúp cho người ta tu đức.
Lý là lễ (coi phần dịch 64 quẻ) cung kính, cẩn thận, cho nên gọi là nền của đức. Khiêm là khiêm tốn. Phục là trở lại, hoàn phục thiên lý. Hằng là giữ lòng cho bên, không biến đổi. Tốn là bớt lòng dục, lòng giận. Ích là làm cho đức tăng tiến. Khốn là gặp nghịch cảnh, mới kiểm điểm được đức của mình. Tỉnh là giếng khơi nước không cạn, cũng không tràn, mọi người đều lại lấy nước, ý nói công dụng đầy khắp, dày dặn. Tốn là thuận theo lẽ phải mà chế ngự đức.
3. Lý, hoà nhi chí; Khiêm tốn nhi quan; Phục, tiểu nhi biện ư vật; Hằng, tạp nhi bất yếm; Tổn, tiên nan nhi hậu dị; Ích trưởng dụ nhi bất thiết; Khổn, cùng nhi thông; Tỉnh, cư kỳ sở nhi thiên; tốn, Xứng nhi ẩn.
Dịch: Lý, thì ôn hoà mà (đạo nghĩa) tới cực điểm; Khiêm (tự hạ) thì lại được tôn trọng mà vẻ vang; Phục tuy nhỏ (vì một hào dương ở dưới 5 hào âm) nhưng việc gì cũng biện biệt được (vì dương là ánh sáng, âm là bóng tối, một dương 5 âm như một ngọn đèn trong phòng tối); Hằng thì ở thời phức tạp mà giữ được đức, chứ không chán; Tốn (bớt tư dục) thì mới đầu tuy khó sau (thành thói quen) hoá dễ; Ích (là thêm) thì nảy nở thêm (một cách tự nhiên mà không tốn công sắp đặt, Khốn thì thân tuy cùng mà đạo vẫn thông, nhờ đó hết cùng thì sẽ thông. Tỉnh thì tuy ở một nơi mà ơn nhuận lưu hành khắp (như nước giếng); Tốn thì xứng hợp với mọi hoàn cảnh mà không để lộ tài đức ra.
4. Lý dĩ hoà hạnh, Khiêm dĩ chế lễ; Phục dĩ tự tri; Hằng dĩ nhất đức; Tổn dĩ viễn hại, Ích dĩ hưng lợi; Khốn dĩ quả oán; Tỉnh dĩ biện nghĩa; Tốn dĩ hành quyền.
Dịch: (dùng) quẻ Lý để điều hoà tính của mình; quẻ Khiêm để điều chế điều lễ, quẻ Phục để làm (chữ tri ở đây có nghĩa là làm chủ) mình; quẻ Hằng để cho đức của mình được thuần nhât, quẻ Tốn để tránh xa mọi cái hại; quẻ Ích để hứng khởi mọi cái lợi; quẻ Khốn để khi hoạn nạn ít phải oán hận; quẻ Tỉnh để biện minh điều nghĩa, quẻ Tốn để biết quyền biến.

Chương 6

1. Tử viết: “Càn Khôn, Kỳ dịch chi môn da? Càn dương vật dã, Khôn âm vật dã. Âm dương hợp đức nhi cương nhu hữu thể, dĩ thể thiên địa chi soạn, dĩ thông thần minh chi đức”

Dịch: Thầy (Khổng) nói: “Càn, Khôn là cửa của Dịch chăng? Còn đại biểu những vật thuộc về dương, Khôn đại biểu những vật thuộc về âm. Đức (tính cách) của âm dương hợp với nhau mà hào dương và hào nhu mới có thực thể, nhân đó mà suy trắc được công việc của trời đất và thông cảm được đức của thần minh!”
2. Kỳ xưng danh dã tạp nhi bất việt. Ư kê kỳ loại, kỳ suy thế chi ý da?
Dịch: Tên của các quẻ tuy lộn xộn nhưng ý nghĩa (?) không trật ra ngoài (sự biến hoà của âm dương) khi xét về lời đoán của mỗi quẻ thì Dịch là mối suy tư (của thánh nhân) trong một đời loạn chăng? (tức của Văn vương ở thời vua Trụ).
Chú thích: tiết nầy rất tối nghĩa các sách đều chấm câu ở sau chữ “việt”. Duy Phan Bội Châu là cho câu đi liền tới chữ “loại” rồi mới chấm. Chữ “loại” mỗi nhà hiểu một khác: Phan Bội Châu không dịch, Chu HI không giảng, J. Legge hiểu là “bản chất và cách thức” của các lời đoán. R. Wilhelm hiểu là hoàn cảnh.
3. Phù Dịch chương vãng nhi sát lai, nhi vi hiển (1) triển u; khai nhi (2) đáng danh biện vật, chính ngôn, đoán từ, tắc bị hĩ.
Dịch: Dịch làm rõ cái đã qua mà xét cái sắp tới, làm sáng tỏ cái kín đáo, mở cái bí mật. (Văn Vương) khai triển hình tượng (hay ý nghĩa), phân biệt mọi vật đúng với tên của chúng; ngôn được chính, lời đoán được định rồi, thế là (Kinh Dịch) đầy đủ.
Chú thích: (1) Ba chữ “nhi vi hiển”, ngở là lầm; “vi hiển nhi (triển u)” thì phải hơn.
(2) chữ “nhi” ở đây cũng ngờ là lầm.
Vì hai chỗ đáng ngờ như vậy nên tiết này khó hiểu, mà Phan Bội Châu không dịch. Chúng tôi dịch theo J. Legge mà J.Legge cũng chỉ đoán phỏng thôi.
4. Kỳ xưng danh dã tiểu, kỳ thủ loại dã đại, kỳ chỉ viễn, kỳ từ văn, kỳ ngôn khúc nhi trúng, kỳ sự tứ nhi ẩn, nhân nhị dĩ tế dân hạnh, dĩ minh thất đắc chi báo.
Dịch: Về sự đặt tên trong Dịch thì tới cả những vật rất nhỏ (hay tầm thường), mà bao gồm cả những loại rất lớn (nhu thiên địa, âm dương, vũ trụ)(1), ý nghĩa của Dịch sâu xa mà lời thì văn vẻ, lời (giảng) ngoắt ngoéo mà đúng sự việc, trình bày rõ ràng mà thâm điểu, u ẩn, nhân lòng dân có điều nghi ngờ (nhị) mà giúp dân về đức hạnh, (bằng cách) tỏ cho dân thấy rõ sự báo ứng về việc hỏng hay được (tức hậu quả của hành động tốt hay xấu).
Chú thích: (1) Câu đầu này R. Wilhelm dịch là: Những tên (để gọi các quẻ) có vẻ không quan trọng nhưng khả năng áp dụng thì lớn; J. Legge dịch là: Tên gọi chỉ là vấn đề nhỏ mọn, nhưng các loại sự vật chứa trong những tên đó thì rộng lớn.
(Chương này tối nghĩa, có chỗ chép lầm, mà ý nghĩa cũng không có gì sâu sắc, chỉ là xét chung về bản thể, công dụng của Kinh Dịch).

Chương 5

1. Dịch viết: “xung xung (đồng đồng) vãng lai, bằng tòng nhĩ lai”
Tử viết” “Thiên hạ hà tư hà lự, thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự, thiên hạ hà tư hà lự?”
Dịch: Kinh dịch (hào 4 quẻ Hàm) nói: (Trong việc giao thiệp mà) lăng xăng, tính toán có qua có lại với nhau thì những người qua lại với anh chỉ là những người anh nghĩ tới mà thôi” (ý muốn nói số bạn không đông, đoàn thể không lớn được).
Thầy (Khổng) giảng: “đạo lý trong thiên hạ cần gì phải ngẫm nghĩ bằng ý riêng (tư), tính toán bằng mẹo vặt (lự), vì thiên hạ đường đi tuy khác nhau mà qui kết thì y như nhau: tính toán trăm lối mà cuối cùng chỉ tóm vào một lẽ, (lẽ đó là có cảm thì có ứng, ứng lại gây ra cảm), cần gì phải ngẫm nghĩ bằng ý riêng, tính toán bằng mẹo vặt.
2. “Nhật vãng tắc nguyệt lai, nguyệt vãng tắc nhật lai, nhật nguyệt tương thôi nhi minh sinh yên; hàn vãng tắc thử lai, thử vãng tắc hàn lai, hàn thử tương thôi nhi tuế thành yên; vãng giã khuất dã, lai giả thân (1) dã, khuất thân tương cảm nhi lợi sinh yên”.
Dịch: đây vẫn tiếp lời Khổng tử trong tiết trên).
“ (Tỉ như) mặt trời qua thì mặt trăng lại, mặt trăng qua thì mặt trời lại, mặt trời mặt trăng (cảm ứng nhau) xô đẩy nhau mà ánh sáng phát ra; mùa lạnh qua thì mùa nóng lại, mừa nóng qua thì mùa lạnh lại, lạnh nóng (cảm ứng nhau) xô đẩy nhau mà thành ra năm tháng; cái đã qua co rút lại, cái sắp tới đuỗi dài ra, co rút (khuất), duỗi dài (thân), hai cái đó cảm ứng với nhau mà ích lợi mới nảy ra.
Chú thích: (1) chữ 信 ở đây đọc là thân và dùng như chữ 伸 là duỗi.
3. “xích oánh (có người đọc là quặc hay hoạch) chi khuất dĩ cầu thân dã; long xà chi trập dĩ tồn thân dã; tinh nghĩa nhập thần dĩ trí dụng dã; lợi dụng an thân dĩ sùng đức dã.
Dịch: (Cũng vẫn tiếp lời Khổng tử).
“con sâu đo co lại là để rồi duỗi ra: con rồng con rắn nấp (dưới vực, dưới đất) là để giữ mình. (Người quân tử ) tìm hiểu nghĩa lý tới chỗ tinh vị, vào tới được chỗ thần diệu là để có công dụng cực kỳ (mà lập nên sự nghiệp); lợi dụng sự an định tâm thân là để cho đức được cao quí.
4. “quá thử dĩ vãng, vị chi hoặc tri dã; cùng thần tri hoá, đức chi thịnh dã”.
Dịch ; (Cũng vẫn tiếp lời Khổng tử).
(Khi cái đức đã cao quí rồi) từ đó mà tiến lên mãi thì sẽ đạt tới mức mà người thường khó trắc lường được; vì lúc đó đã cực kỳ thần diệu, biết hết lẽ biến hoá rồi, thánh đức đã rất thịnh rồi” (tới đây mới hết lời giảng hào 4 quẻ Hàm của Khổng tử) .
5. Dịch viết: Khốn vu thạch, cứ vu tật lê, nhập vu kỳ cung, bất kiến kỳ thê, hung”
Tử viết: “Phi sở khốn nhi khốn yên, danh tất nhục; phi sở cứ nhi cứ yên, thân tất nguy; Ký nhục thả nguy, tử kỳ tương chi, thê kỳ khả đắc kiến da?”
Dịch: Kinh Dịch (hào 3 quẻ Khốn ) nói: “Như một người) bị khốn vì đá (dằn ở trên – tức hào 4 – coi phần dịch 64 quẻ) mà lại dựa vào cây tật lê (một loại cây gai) (tức hào 2 ở dưới), vô nhà thì lại không thấy vợ (trỏ hào 6 ở trên), xấu” .
Thầy (Khổng) giảng: “Không phải chỗ đáng bị khốn mà mình bị khốn thì danh ắt bị nhục; không phải chỗ đáng dựa mà mình dựa vào thì thân mình tất bị nguy; đã bị nhục lại bị nguy thì sắp chết tới nơi, còn thấy sao được vợ nữa”.
Chú thích: Về nhà không thấy vợ, chỉ có ý muốn nói rằng đã nguy đến cùng cực rồi, dù người thân cũng không cứu mình được. Hào này rất xấu. Coi lại phần dịch quẻ Khốn.
6. Dịch viết: “Công dụng thiệc (1) chuẩn vu cao dung chi thượng, hoạch chi, vô bất lợi”.
Tử viết: “chuẩn giả cầm dã, cung thỉ giả khí dã, thiệc chi giả nhân dã. Quân tử tàng khí ư thân, đãi thời nhi động, hà bất lợi chi hữu? Động nhi bất quát, thí dĩ xuất nhi hữu hoạch, ngữ thành khí nhi động giả dã”.
Dịch: Kinh Dịch (hào 6 quẻ Giải) nói: “Một vị công nhắm bắn cho chim chuẩn ở trên bức tường cao. Bắn được, không có gì là không lợi”.
Thầy (Khổng) giảng: “Chuẩn là một loài chim, cung tên là đồ dùng, kẻ bắn là người. Người quân tử chứa sẳn đồ dùng (tài đức) ở trong mình, đợi thời mà hoạt động, thì có gì mà chẳng lợi? Hoạt động mà không bị chướng ngại thì ra làm tất thành công: ý muốn nói phải có đủ đồ dùng rồi hoạt động (cho đúng lúc)”
Chú thích: (1) Chữ 射 ở đây đọc là thiệc, nhưng có người đọc là xạ. Nghĩa không khác nhau mấy: xạ là thuật bắn mũi tên đi xa, thiệc là nhắm mắt bắn một con vật.
7. Tử viết: “Tiểu nhân bất sỉ bất nhân, bất úy bất nghĩa, bất kiến lợi bất khuyến, bất uy bất trừng. Tiểu trừng nhi đại giới, tiểu nhân chi phúc dã. Dịch viết: “Lý giảo diệt chỉ, vô cữu, “thử chi vị dã”.
Dịch: Thầy (Khổng) nói: “Kẻ tiểu nhân (người tư cách, đạo đức thâp kém) không xấu hổ về điều bất nhân, không sợ điều bất nghĩa, không thấy lợi thì không gắng sức, không thấy cái uy (sự trừng trị) thì không răn mình. Nếu họ mới có tội nhỏ mà bị trừng trị ngay thì biết răn đe mà không mắc tội lớn, đó là phúc cho họ” . Kinh dịch nói: “Ví như mắc chân vào cái cùm mà đứt ngón chân cái (không có tội lớn) (1) là nghĩa vậy”.
Chú thích: (1) câu này là lời hào 1 quẻ Phệ Hạp (một quẻ về hình ngục) có nghĩa là: Mới làm bậy mà bị trừng trị nhẹ ngay (cùm chân chặt ngón chân cái) thì sẽ sợ phép mà sau không làm điều ác nữa, không có lỗi lớn.
8. “Thiện bất tích bất túc dĩ thành danh; ác bất tích bất túc dĩ diệt thân. Tiểu nhân dĩ tiểu thiện vi vô ích nhi phất vi dã, dĩ tiểu ác vi vô thương nhi phất khử dã; cố ác tích nhi bất khả yểm, tội đại nhi bất khả giải. Dịch viết: “Hạ giảo diệt nhĩ, hung.”
Dịch: Không tích lũy được nhiều điều thiện thì không có danh tiếng được, không tích lũy nhiều điều ác thì không đến nỗi bị diệt thân thể. Kẻ tiểu nhân cho rằng một điều thiện nhỏ là vô ích nên không làm, một điều ác nhỏ là vô hại nên cứ làm; vì vậy mà các điều ác cứ tích lũy tới lúc không che giấu được nữa, tội hoá lớn mà không thể tha được. Kinh dịch nói: “Cổ tra vào gông, bị tội cắt tai, xấu” (1)
Chú thích: (1) Câu này là lời hào 6 quẻ Phệ Hạp. Đây là một tội lớn, hình phạt nặng (đeo gông, cắt tai) rồi, cho nên xấu hơn hào 1, mới bị cùm chân và chặt ngón chân cái thôi. Chữ 何 ở đây đọc là hạ nghĩa là vác như chữ 荷.
Tiết này tiếp tiết trên, cũng là lời của Khổng tử.
9. Tử viết: “Nguy giả an kỳ vị giả dã; vong giả bảo kỳ tồn giả dã; loạn giả hữu kỳ trị giả dã. Thị cố quân tử an nhi bất vong nguy, tồn nhi bất vong vong, trị nhi bất vong loạn. Thị dĩ nhân an nhi quốc gia khả bảo dã” dịch viết: “Kỳ vong, kỳ vong, hệ vu bao tang.
Dịch: thầy (Khổng) nói: “Sở dĩ đến nỗi nguy là vì mình chắc giữ yên được vị của mình(1); sở dĩ đến nỗi mất là vì mình chắc bảo tồn được; sở dĩ đến nỗi loạn là vì mình chắc sẽ có cách trị được (ý muốn nói không đề phòng trước). Cho nên người quân tử (người có tài đức, sáng suốt) khi yên ổn thì không quên rằng sẽ có thể nguy; khi vững thì không quên rằng sẽ có thể mất; khi trị thì không quên rằng sẽ có thể loạn. Nhờ vậy mà thân an, nước vững” Kinh Dịch nói: “Có thể mất đấy, có thế mất đấy: Biết lo trước như vậy thì sự nghiệp mình mới vững như buộc vào một cụm dâu( 2) (cây dâu nhiều rễ ăn sâu dưới đất, rất khó nhổ”.
Chú thích: (1) Câu này cũng có người dịch là: “Cái nguy làm cho yên ngôi”, tức: đừng quên cái nguy thì mới giữ yên được cái ngôi. Hai câu sau cũng vậy.
(2) Đây là lời Hào 5 quẻ Bĩ.
10. Tử viết: “đức bạc nhi vị tôn, trí tiểu nhi mưu đại, tiểu nhi nhiệm trọng, tiển bất cập hi”. Dịch viết: “Đỉnh chiết túc, phúc công tốc, kỳ hình ốc, hung” Ngôn bất thăng kỳ nhiệm dã.
Dịch: thầy (Khổng) nói: “Đức mỏng mà ngôi tôn, trí nhỏ mà mưu lớn, sức yếu mà gánh nặng, thì ít khi tránh được (tai nạn). kinh Dịch nói: “chân vạc gẫy, đánh đổ thức ăn của nhà công hầu mà bị hình phạt nặng, xấu” (1) Lỗi đó nói về cái hoạ không gánh nỗi trách nhiệm.
Chú thích: (1) đây là Hào 4 quẻ Đỉnh. Hai chữ “hình ốc 形渥 “chúng tôi theo Phan Bội Châu mà dịch như trên. Cụ cho rằng sách Chu Lễ có chữ “ốc tru” 渥 誅, trỏ một hình phạt nặng.
Các sách khác đều dịch là thân mình bị ướt vấy vì thức ăn tung tóe.
11. Tử viết: “Tri cơ kỳ thần hồ! Quân tử thượng giao bất siểm, hạ giao bất độc, kỳ tri cơ hồ! Cơ giả động chi vi, cát chi tiên kiến giả dã. Quân tử kiến cơ nhi tác, bất sĩ chung nhật, Dịch viết: “giới vu thạch, bất chung nhật, trinh cát. Giới như thạch yên, ninh dụng chung nhật, đoán khả thức hĩ. Quân tử tri vi, tri chương, tri nhu, tri cương, vạn phu chi vọng”.
Dịch: thầy (Khổng) nói: “Biết trước được cái triệu chứng (từ khi mới có dấu hiệu) thì quả là thần diệu. Người quân tử giao tiếp với người trên thì không nịnh, với kẻ dưới thì không nhờn, là biết trước cái triệu chứng vậy. Triệu chứng là cái dấu hiệu đầu tiên rất nhỏ của sự biến động, cát(1) (hay hung) chưa hiện mà đã thấy được. Người quân tử thấy trước triệu chứng mà ứng phó ngay, không đợi cho tới hết ngày. Kinh Dịch nói: “ Chí bền chắc như đá, chẳng đợi tới hết ngày (mà ứng phó ngay), chính đính, bền vững, tốt” (2) Chí bền chắc như đá thì chẳng cần đợi tới hết ngày, vì phán đoán đã rành rẽ rồi (3). Người quân tử biết được lúc còn lờ mờ, lúc đã rõ rệt, biết lúc nào nên nhu, lúc nào nên cương. Vì vậy mà vạn người trông vào mình”.
Chú thích: (1) Có bản thêm chữ “hung” ở đây.
(2) đây là lời Hào 2 quẻ Dự.
(3) R. Wilhelm dịch là : “lời đoán (quẻ) có thể biết được rồi(?).
12. Tử viết: “Nhan thị chi tử kỳ đãi thứ cơ hồ! Hữu bất thiện vị thường bất tri, tri chi vị thường phục hành dã. Dịch viết: “Bất viễn phục vô kỳ hối, nguyên, cát.”
Dịch: thầy (Khổng) nói: “Người con họ Nhan (tức Nhan Hồi) chăng? Nếu anh ấy có lầm lỗi gì thì biết ngay, biết rồi thì không mắc lần thứ nhì nữa (1) Kinh dịch nói: “tuy lầm lỗi nhưng thời gian chẳng xa, trở lại tốt lành ngay, thì không đến nỗi ăn năn lớn; rất tốt (2).
Chú thích: (1) Sách Luận Ngữ, thiên Ung dã, bài 2, Khổng tử khen Nhan Hồi 1 “bất nhị quá”, không mắc một lỗi nào tới lần thứ hai.
(2) đây là lời hào 1 quẻ Phục.
13. Thiên địa nhân huân, vạn vật hoá thuần; nam nữ cấu tinh, vạn vật hoá sinh. Dịch viết: “Tam nhân hành tắc tổn nhất nhân, nhất nhân hành tắc đắc kỳ hữu. Ngôn trí nhất dã”
Dịch: (Có lẽ thiếu hai chữ “tử viết” ở đầu tiết này).
Trời đất (tức âm dương) giao cảm mà vạn vật hoá ra có đủ hình (?) giống đực giống cái kết hợp tinh khí mà vạn vật sinh nó biến hoá.
Kinh Dịch nói: “Ba người cùng đi thì bớt đi một người, một người đi (một mình) thì được thêm bạn” (1) đó là nói về lẽ duy nhất (2).
Chú thích: (1) đây là lời Hào 3 quẻ Tốn.
(2) chúng tôi chưa thấy sách nào giảng câu này cho thông. Chu Hi không giảng. R. Wilhelm không dịch. Chúng tôi dịch gượng như vậy, ngờ rằng tác giả muốn nói luật duy nhất trong vũ trụ là vật gì cũng phải có đôi, đó là điều kiện sinh sinh hoá hoá của vạn vật.
14. Tử viết: “Quân tử an kỳ thân nhi hậu động, dị (1) kỳ tâm nhi hậu ngữ, định kỳ giao nhi hậu cầu. Quân tử tu thử tam giả, cố toàn dã. Nguy dĩ động tắc dân bất dữ dã, cụ dĩ ngữ tắc dân bất ứng dã, vô giao nhi cầu tắc dân bất dữ dã. Mạc chi dữ tắc thương chi giả chí hĩ. Dịch viết: ‘Mạc ích chi, hoặc kích chi, lập tâm vật hằng, hung?
Dịch: thầy (Khổng) nói: “Người quân tử làm cho thân mình được an ổn rồi sau mới hành động (nếu không thì là táo động, nóng nảy, hấp tấp); khiến cho lòng mình bình dị rồi sau mới nói – thuyết phục người khác (nếu không thì là vọng ngữ); làm cho giao tình được bền rồi sau mới yêu cầu (nếu không thì là vụng về, sẽ thất bại). Người quân tử trau giồi ba điều đó nên được trọn vẹn, yên ổn. Nếu ở trong cảnh nguy mà đã vội hành động thì dân không tin mình; còn sợ hãi mà đã vội hành động thì dân không hưởng ứng; giao tình chưa được bền mà đã vội yêu cầu thì dân sẽ từ chối. Không ai biểu đồng tình với mình thì cái hại sẽ tới ngay. Kinh Dịch nói: “Không ai làm ích cho mình mà có kẻ đả kích mình nữa, là vì không giữ được hằng tâm (lòng luôn luôn tốt); xấu (1).
Chú thích: (1) Đây là Hào 5 quẻ Ích.

Chương 3 và 4

Chương 3
 
1. Thị cố Dịch giả tượng dã; tượng 象 giả tượng 像 dã.
Dịch: cho nên Dịch là hình tượng: hình tượng là phỏng theo, là tương tự.
2. Thoán giả tài dã.
Dịch: Thoán (từ) là ý nghĩa của mỗi quẻ. (Có người dịch là tài liệu của mỗi quẻ)
3. Hào dã giả, hiệu thiên chi động giả dã.
Dịch: Hào là phỏng theo các biến động trong thiên hạ.
4. Thị cố cát hung sinh nhi hối lận trứ dã..
Dịch: Cho nên tốt xấu sinh ra mà sự hối tiếc hiện rõ.
(chương này không diễn thêm được ý gì. Bốn tiết có thể gom làm một. Phan Bội Châu bỏ cả chương.)
 
Chương 4

1. Dương quái đa âm, âm quái đa dương,
Dịch : Trong quẻ dương có nhiều âm, trong quẻ âm có nhiều dương.
Chú thích: như các quẻ Chấn, Khảm và Cấn là dương mà đều có hai hào âm, một hào dương; như các quẻ Tốn, Ly, Đoài là âm mà đều có hai hào dương, một hào âm.
2. Kỳ cố hà dã? Dương quái cơ, âm quái ngẫu.
Dịch: Tại sao như vậy? Tại quẻ dương lẻ, quẻ âm chẵn.
Chú thích: Chu Hi giảng: quẻ này dương lẻ vì có 5 nét (5 là số lẻ), như quẻ Khảm có hai hào âm, mỗi hào 2 nét, với 1 g dương, 1 nét, cộng là 5 nét; quẻ âm chẵn vì có 4 nét (4 là số chẵn) như quẻ Ly có 2 hào dương, mỗi hào 1 nét, với 1 hào âm 2 nét, công là 4 nét.
Có người giảng theo luật: “Chúng dĩ quả vi chủ” (coi lại Phần I, chương IV: như quẻ Khảm có 2 hào âm, 1 hào dương thì lấy hào dương, 1 hào âm thì lấy hào âm (ít) làm chủ, cho nên gọi là quẻ âm.
R. Wilhelm giảng một cách khác nữa, rắc rối, tôi không chép lại. (coi sách đã dẫn – tr.337).
3. Kỳ đức hạnh hà dã? Dương nhất quân nhi nhị dân, quân tử chi đạo dã; âm nhị quân nhi nhất dân, tiểu nhân chi đạo dã.
Dịch: Đức hạnh (1) của những quẻ dương và âm ra sao? Trong các quẻ dương có một vua (tức hào dương) và hai dân (tức hào âm) hợp với đạo của quân tử; trong các quẻ âm có hai vua và một dân, đó là “đạo” (thái độ, tư cách) của tiểu nhân (2).
Chú thích: (1) R Wilhelm đọc là hành và dịch đức hành là bản chất và hành động.
(2) Thí dụ theo chu Hi quẻ Khảm 1 hào dương là 1 vua, 2 hào âm là 2 dân; quẻ Ly hai d dương, 1 ha âm là 2 vua, 1 dân. Nhưng ở tiết trên, Chu Hi lấy số nét mà giảng, ở đây lại lấy số hào mà giảng, không nhất trí R. Wilhelm không giảng gì cả. Chương này Phan Bội Châu cũng bỏ trọn.

Chương 2

1. Cổ giả Bào Hi thị chi vương thiên hạ dã, ngưỡng tắc quan tượng ư thiên, phủ tắc quan pháp ư địa, quan điểm thú chi văn dữ thiên địa chi nghi, cận thủ chư thân, viễn thủ chư vật, ư thị thủy tác bát quái dĩ thông thần minh chí đức, dĩ loại vạn vật chi tình.
Dịch: Ngày xưa họ Bào Hi (tức Phục Hi) cai trị thiên hạ, ngửng lên thì xem các hình tượng trên trời, cúi xuống thì xem các phép tắc dưới đất, xem các văn vẻ của chim muông cùng những thích nghi với trời đất (của từng miền). Gần thì lấy ở thân mình, xa thì lấy ở vật, rồi làm ra bát quái để thông suốt cái đức thần minh và điều hoà cái tình của vạn vật.
Chú thích: Phan Bội Châu chỉ dịch tiết này và tiết 5, còn thì bỏ hết.
2. Tác kết thằng vi võng cổ, dĩ điền dĩ ngư, cái thủ chi Ly.
Dịch: (Bào Hi)Thắt dây mà làm ra cái rớ, cái lưới để săn thú, đánh cá, là lấy tượng của quẻ ly.
Chú thích: Vậy là Bao Hi phỏng theo một cái gì đó trong thiên nhiên mà vạch ra quẻ Ly rồi lại phỏng theo quẻ Ly mà tạo ra cái lưới?
3. Bào Hi thị một, Thần Nông thị tác, tác mộc vi tỉ (cũng đọc là cử hoặc tự), nhu mộc vi lỗi, lỗi nậu chi lợi, dĩ giáo thiên hạ, cái thủ chư Ích.
Dịch: Họ Bào Hi mất. tới khi họ thần Nông dấy lên, đẽo gỗ làm cái lưới cày, uốn gỗ làm cái cán cày, đem cái lợi của cái cày, cái bừa dạy cho thiên hạ, là lấy tượng quẻ Ích.
4. Nhật trung vi thị, trí thiên hạ chi dân, tụ thiên hạ chi hoá, giao dịch nhi thoái, các đắc kỳ sở, cái thủ chi Phệ hạp.
Dịch: Mặt trời đứng bóng thì họp chợ, khiến dân trong thiên hạ tụ lại trao đổi hàng hoá với nhau xong rồi về, ai cũng được như ý, là lấy tượng ở quẻ phệ hạp.
5. Thần Nông thị một, Hoàng đế, Nghiêu Thuấn thị tác, thông kỳ biến, sử dân bất quyện, thần nhi hoá chi, sử dân nghi chi. Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu. Thị dĩ tự nhiên hữu chi cát, vô bất lợi. Hoàng đế, Nghiêu, Thuấn thùy y thường nhi thiên hạ trị, cái thủ chư Càn, Khôn.
Dịch: Họ Thần Nông mất rồi các họ Hoàng đế, Nghêu, Thuấn, nổi lên tiếp tục sự biến đổi, khiến cho dân không buồn chán (về những việc cũ); cách biến đổi của các ông ấy thần diệu. Khiến cho dân vui lòng thích nghi. Đạo dịch là đến lúc cũng tất phải biến, đã biến thì thông, nhờ thông mà được lâu dài. Thế là tự trời giúp cho, tốt, không có gì là chẳng lợi.
Vua Hoàng Ðế, vua Nghiêu, vua Thuấn rũ áo (ngồi yên trên ngôi, không làm gì cả) mà thiên hạ được trị, là lấy tượng ở quẻ Càn, quẻ Khôn.
6. Khô mộc vi chu, diệm mộc vi tiếp. Chu tiếp chi lợi dĩ tế bất thông trí viễn dĩ lợi thiên hạ, cái thủ chư Hoán.
Dịch: Xẻ gỗ làm thuyền, đẽo gỗ làm mái chèo. Cái ích lợi của thuyền, chèo là có phương tiện giao thông, tới những nơi xa được, làm lợi cho thiên hạ; đó là lấy tượng ở quẻ Hoán.
Chú thích: Chu Hi ngờ rằng những chữ “trí viễn dĩ lợi thiên hạ” (tới những nơi xa được, làm lợi cho thiên hạ) là thừa.
7. Phục ngưu thừa mã, dẫn trọng trí viễn dĩ lợi thiên hạ, cái thủ chư Tùy.
Dịch: đánh bò cưỡi ngựa chở nặng đến xa, làm lợi cho thiên hạ, đó là lấy tượng ở quẻ Tùy.
8. Trùng môn kích thác dĩ đãi bạo khách, cái thủ chư Dự.
Dịch: Đóng hai lần cửa, đánh mõ để báo động kẻ cướp, là lấy tượng ở quẻ Dự.
9. Đoạn mộc vi chữ, quật địa vi cữu; cữu chử chi lợi vạn dân dĩ tế, cái thủ chư Tiểu quá.
Dịch: Đẽo gỗ làm chày, đào đất làm cối; cái ích lợi của cối chày là để giúp nhân dân, là lấy tượng ở quẻ Tiểu quá.
10. Huyền mộc vi hồ, diệm mộc vi thỉ; hồ chỉ chi lợi dĩ uy thiên hạ, cái thủ chư Khuê.
Dịch: Dăng dây để uốn gỗ thành cung, đẽo gỗ làm tên; dùng cái lợi của cung tên để làm uy với thiên hạ, là lấy tượng ở quẻ Khuê.
11. Thượng cổ huyệt cư nhi dã xử; hậu thế thánh nhân dịch chi dĩ cung thất, thượng đống hạ vũ dĩ đãi phong vũ, cái thủ chu Đại tráng.
Dịch: Thời thượng cổ người ta (mùa đông) ở trong hang (mùa hè) ở giữa đồng; thánh nhân đời sau mới thay bằng nhà cửa, trên có đòn nóc, dưới có mái che để phòng lúc mưa gió là lấy cái tượng ở quẻ Đại tráng.
12. Cổ chi táng giả, hậu ý chi dĩ tân, táng chi trung dã, bất phong bất thụ; tang kỳ vô số; hậu thế thánh nhân dịch chi dĩ quan quách, cái thủ chư Đại quá.
Dịch: Thời xưa, chôn cất người chết thì lấy củi bó một lớp dày chung quanh rồi chôn ở giữa đồng, không đắp mộ cũng không trồng cây; để tang bao lâu không hạn định; thánh nhân đời sau thay đổi (cách thức), dùng áo quan và quách, là lấy tượng ở quẻ Đại quá.
13. Thượng cổ kết thằng nhi trị; hậu thế thánh nhân dịch chi dĩ thư khế, bách quan dĩ trị, vạn dân dĩ sát, cái thủ chư Quải.
Dịch: Thời thượng cổ thắt nút dây (để ghi nhớ các việc) mà cai trị; thánh nhân đời sau thay đổi (cách thức), dùng văn tự, khế ước, mà cai trị trăm quan, kiểm soát dân chúng, là lấy tượng ở quẻ Quải.
*
Chú thích: Tác giả chương này cho ta thấy một công dụng bất ngờ của Kinh Dịch, bảo nó là nguồn gốc của văn minh, bao nhiêu phát minh thời thượng cổ từ nhà cửa, chữ viết, tới việc trị dân vô bị, phòng cướp, giao thông, chôn cất . .. đều do Kinh Dịch mà có cả; vì Phục Hi, Thần Nông . . .nhận xét các hện tượng trong vũ trụ mà đặt ra tám đơn quái và 64 trùng quái để tượng trưng mọi sự vật, rồi lại phỏng theo 64 trùng quái đó để tạo nên nền văn minh thời cổ.
Ví dụ: Phục Hi nhận xét một vật gì đó trong vũ trụ mà tạo ra quẻ Ly rồi phỏng theo hình quẻ đó tạo ra lưới bẩy thú và đánh ca. Điều đó có cái gì khó hiểu. Sao không nói rằng Phục Hi nhận xét chẳng hạn một mạng nhện rồi chế tạo ngay ra chiếc lưới, mà lại phải qua giai đoạn trung gian là quẻ Ly?
Sau mỗi tiết trong chương này, Chu Hi thường giải thích cổ nhân mượn ý nào trong một quẻ nào đó để tạo nên một đồ dùng; nhưng giải thích của ông sơ sài quá, khiên cưỡng nữa.
Chẳng hạn sau tiết 8, về việc cổ nhân đóng hai lần cửa, đánh mõ để báo động kẻ cướp, là lấy tượng ở quẻ Dự, ông bảo “dự” đây là ý dự bị, đề phòng; nhưng thực ra, theo thoán từ (coi phần dịch) thì quẻ Dự có nghĩa là vui, chứ không có nghĩa là đề phòng. Chữ dự có cả hai nghĩa khác nhau xa đó. Trong phần Truyện (hệ từ hạ truyện này). Chu Hi dùng một nghĩa khác phần kinh (Thoán từ), như vậy là khiên cưỡng.
R. Wilhelm không biết theo sách nào, dùng tượng của quẻ để giải thích kỹ hơn.: “quẻ Lôi địa Dự gồm quẻ Chấn có nghĩa là động, ở trên quẻ Khôn là đất. Hào 3,4, 5 họp thành quẻ Hỗ (1) Khảm có nghĩa là nguy hiểm; hào 2, 3, 4 họp thành một quẻ hỗ nữa: quẻ Cấn là núi. Quẻ Khôn tượng trưng một cái cửa đóng, mà quẻ Cấn cũng có nghĩa là cái cửa; vậy là có hai lần cửa. quẻ khảm có nghĩa là ăn trộm. Bên kia cửa, có động (quẻ Chân với gỗ (Chấn là gỗ) ở trong tay (Cấn là tay) dùng để dự bị (tên quẻ: Dự cũng có nghĩa là dự bị) chống lại kẻ trộm” (Sách đã dẫn – tr.333).

Cũng rất khiên cưỡng: Chấn là gỗ, Cấn là cửa, là tay!
Vô lý nhất là lời chú giải này của Chu Hi: về quẻ Phệ hạp, Thần Nông mượn chữ phệ 噬 làm chữ thị 巿, chữ hạp 嗑 làm chữ hạp 合 (nghĩa là lấy những chữ phát âm giống nhau nhiều ít như phệ và thị mà thay cho nhau), do đó mà phệ hạp nghĩa là cắn để họp lại (coi quẻ Phệ hạp – số 21) hoá ra thị hạp nghĩa là họp chợ. Từ đó mới có chợ (thị). Nhưng trước khi Thần Nông đặt ra chợ thì làm gì có chữ thị để ông mượn mà thay cho chữ phệ? Chưa có vật thì làm sao có tên để chỉ vật? Còn như nếu đã có chữ thị rồi, có việc họp chợ rồi, thì cần gì phải mượn hai chữ phệ hạp để tạo ra hai chữ thị hạp nữa?

Hệ Từ Truyện - Thiên Hạ - Chương 1

1. Bát quái thành liệt, tượng tại kỳ trung hĩ; nhân nhi trùng chi, hào tại kỳ trung hĩ.
Dịch: Bát quái thành hàng thì “tượng” có ở trong đó; rồi nhân đó mà chồng bát quái lên với nhau (thành 64 trùng quái) thì (sáu) hào có ở trong đó.
Chú thích: Theo Chu Hi, bát quái sắp thành hàng nghĩa là sắp theo thứ tự: Càn nhất, Đoài nhì, Ly ba, Chấn bốn (theo chiều nghịch kim đồng hồ), rồi bắt từ : Tốn là năm, theo chiều thuận kim đồng hồ, Khảm sáu, Cấn bảy, Khôn tám. Coi hình tiên thiên bát quái Phần I, Chương I.
2. Cương nhu tương thôi, biến tại kỳ trung hĩ; hệ từ yên nhi mệnh chi, động tại kỳ trung hĩ.
Dịch: Cứng mềm (tức nét dương, nét âm) đun đẩy (thay chỗ) nhau mà có sự biến hoá ở trong; lời đoán tốt. xấu được (ghép) vào mỗi hào, mà sự động của hào sẽ ra sao đã chỉ ở trong đó.
Chú thích: chữ “động” ở đây cũng có thể hiểu là cách hành động (nên ra sao).
3. Cát hung hối lận giả sinh hồ động giả dã.
Dịch: tốt xấu, ăn năn và tiếc nhân cái động trong quẻ và hào mà thấy.
4. Cương nhu giả lập bản dã; biến thông giả thú thời giả dã.
Dịch: Cứng mềm (nét dương, nét âm) có ngôi nhất định sẳn nét dương nên ở ngôi lẻ: 1 , 3, 5 nét âm nên ở ngôi chẵn: 2, 4, 6) từ ngôi này mà đổi ra ngôi kia phải theo đời.
Chú thích: tiết này tối nghĩa, mỗi nhà hiểu một cách. Chúng tôi theo Chu Hi.
5. Cát hung giả, trinh thắng giả dã.
Dịch: Cát và hung luôn luôn thắng lẫn nhau theo một luật nhất định (vì một việc đời, không cát thì hung, hết cát lại hung, hết hung lại cát, cứ thuận lẽ là tốt, trái lẽ là xấu).
Chú thích: Tiết này cũng tối nghĩa. Chữ “trinh” ở đây Chu Hi giảng là “thường” nhất định. R. Wilhelm giảng là kiên nhẫn, lâu bền (perseverance, duration), ý muốn nói là phải lâu rồi mới xoay chiều, cát biến ra hung hoặc ngược lại.
6. Thiên địa chi đạo trinh quan giả dã; nhật nguyệt chi đạo trinh minh giả dã; thiên hạ chi động trinh phù nhất giả dã.
Dịch: Đạo trời đất chỉ bảo (quan) cho ta luật đó; đạo mặt trời mặt trăng sáng tỏ theo luật đó; các hoạt động trong thiên hạ cũng theo một luật đó mà thôi.
Chú thích: R. Wilhelm dịch khác: đạo trời đất nhờ kiên nhẫn mà thấy được (quan); đạo mặt trời và mặt trăng nhờ kiên nhẫn mà sáng; mọi hoạt động trong thiên hạ nhờ kiên nhẫn, lâu mà giống nhau, như một.
7. Phù Càn xác nhiên thị nhân dị hĩ; phù Khôn đồi nhiên thị nhân giản hĩ.
Dịch: Đạo càn mạnh mẽ, chỉ cho ta cái dễ dàng của nó; đạo khôn nhu thuận chỉ cho người ta cái đơn giản của nó.
8. Hào dã giả hiệu thử giả dã; tượng dã giả, tượng thử giả dã.
Dịch: Hào (có lẻ, chẵn) là bắt chước đạo càn khôn đó, “tượng” là phỏng theo đạo càn, khôn mà diễn bằng hình tượng.
9. Hào tượng động hồ nội, cát hung hiện hồ ngoại. Công nghiệp hiện hồ biến, thánh nhân chi tình hiện hồ từ.
Dịch: Hào và tượng động ở trong, mà cát hung hiện ra ngoài. Công nghiệp hiện ra ở sự biến hoá, mà tình ý của thánh nhân hiện ra lời giảng (quái từ, hào từ).
10. Thiên địa chi đại đức viết sinh, thánh nhân chi đại bảo viết vị. Hà dĩ thủ vị? Viết nhân, Hà dĩ tụ nhân? Viết tài, Lý tài chính từ cấm dân vi phi viết nghĩa.
Dịch: đức lớn của trời đất là sinh (sinh sinh hoá hoá), cái rất qúi của thánh nhân là cái ngôi. Nhờ cái gì mà giữ được ngôi (Nhờ điều nhân (1). Nhờ cái gì mà tụ họp được người lại? Nhờ tiền của, điều khiển (điều hoà) tài chính (tức các sản phẩm để nuôi dân), điều chỉnh lời để dạy dân, lại (dùng pháp luật hiến chương) cấm dân làm bậy, như vậy là điều nghĩa.
Chú thích: Chữ nhân ở đây, bản cổ là 人 (người), các bản ngày nay sửa là 仁 (nhân từ) . J. Legge và R. Wilhelm đều dịch theo bản cổ. Bản cổ cho rằng phải có người mới giữ được nước, được ngôi cho thánh nhân; vả lại hiểu “nhân” là người thì ý mới liền với câu sau: “Hà dĩ tụ nhân . . .”
(Cả chương này, Phan Bội Châu chỉ dịch mỗi tiết thứ 10 này thôi).

Chương 12

1. Dịch viết: “Tự thiên hữu chi, vô bất lợi”.
Tử viết: “Hựu giả trợ dã. Thiên chi sở trợ giả thuận, nhân chi sở trợ giả tín. Lý tín, tư hồ thuận, hữu dĩ thượng hiền dã, thị dĩ tự thiên hữu chi; cát, vô bất lợi dã”
Dịch: Kinh Dịch (quẻ Đại hữu, hào 6, Hào từ) nói: “tự trời phù hộ (hựu) cho; tốt; không có gì là không lợi”
Thầy (Khổng) nói: “Phù hộ (hựu) nghĩa là giúp (trợ). Ai thuận với đạo trời thì trời giúp cho; ai có lòng thành tín với người thì người giúp cho. Giữ lòng thành tín với người, nghĩ đến sự thuận đạo trời, lại biết trong người hiền, như vậy thì được trời phù hộ cho; tốt; không có gì là không lợi.”
Chú thích: Tiết này lạc lõng ở trong Chương này, có lẽ do sắp thẻ lộn; để vào cuối chương VIII thì phải hơn.
2. Tử viết: “Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý”, nhiên tắc thánh nhân chi ý kỳ bất khả kiến hồ? Tử viết (1): “Thánh nhân lập tượng dĩ tận ý, thiết quái dĩ tận tình ngụy, hệ từ yên dĩ tận kỳ ngôn, biến nhi thông chi dĩ tận lợi, cổ chi vũ chi dĩ tận thần”.
Dịch: thầy (Khổng) nói: “Sách không nói hết lời, lời không diễn hết ý”, vậy thì cái ý của thánh nhân không thể thấy hết được sao? Thầy (Khổng) nói: “Thánh nhân đặt ra “tượng” (2) để diễn hết ý, đặt ra quẻ để diễn hết sự thực hay giả, đặt ra lời (đoán) ghép vào (mỗi quẻ, mỗi hào) để nói hết lời, biến thông để dùng cho hết cái lợi, cổ võ để đưa ra hết cái thần diệu.”
Chú thích: (1) tiết này dùng hai lần chữ “Tử viết” (Thầy Khổng nói); chắc có một lần thừa.
(2) So câu này với tiết cuối chương trước, chúng ta thấy rất giống nhau, những tiết trên viết: “tứ tượng”; tiết này không có chữ “tứ”. Chúng tôi nghĩ bỏ chữ “tứ” nghĩa rộng hơn và đúng hơn: “tượng: đây là tượng của 8 đơn quái hay 64 trùng quái chứ không phải là “tứ tượng”
3. Càn, Khôn, kỳ Dịch chi uẩn da? Càn, Khôn thành liệt nhi Dịch lập hồ kỳ trung hĩ. Càn, Khôn hủy tắc vô dĩ kiến dịch. Dịch bất khả kiến tắc Càn, Khôn hoặc cơ hồ tức hĩ.
Dịch: Càn, Khôn (1) là cái sâu kín (2) của đạo Dịch chăng? Càn, Khôn thành hàng rồi mà đạo Dịch lập nên ở trong (3). Càn, Khôn bị phá (4) thì còn gì để thấy đạo Dịch nữa. Dịch không thấy được thì cơ hồ Càn, Khôn không thi hành được.
Chú thích: (1) Càn, Khôn ở đây nên hiểu là dương, âm.
(2) “Uẩn” (Sâu kín) Chu Hi hiểu là chứa đựng.
(3) Càn, Khôn thành hàng là muốn nói về việc vạch quẻ, định ngôi cho mỗi hào âm, dương.
(4) Càn, Khôn bị phá là muốn nói: không vạch quẻ, không định ngôi cho mỗi hào âm, dương được.
Cả ba tiết trên, Phan Bội Châu đều bỏ.
4. Thị cố hình nhi thượng giả vị chi đạo; hình nhi hạ giả vị chi khí; hoá nhi tài chi vị chi biến; suy nhi hành chi vị chi thông; cử nhi thố chi thiên hạ chi dân vị chi sự nghiệp.
Dịch: Cho nên cái có trước khi có hình (hình nhi thượng, nay chúng ta gọi là siêu hình) thì gọi là đạo; cái gì có từ khi có hình thì gọi là khí (chữ khí này nghĩa là đồ dùng, là có hình nhất định. Có công dụng thấy được); nhân cái tự nhiên sắp thay đổi mà tài chế nó thì gọi là biến (1), suy từ việc này ra việc khác mà làm thì gọi là thông; đem ra thi thố cho mọi người trong thiên hạ thì gọi là sự nghiệp.
Chú thích: (1) Ví dụ hào 6 quẻ Càn là hết thời thịnh cực tới suy, mình rút lui trước thì tránh được tai hoạ.
5. Tiết này y hệt tiết 1 và 2 Chương VIII, nên không cần dịch lại. Tiết này và tiết 6 ở dưới, Phan Bội Châu đều bỏ.
6. Cực thiên hạ chi trách giả tồn hồ quái, cổ thiên hạ chi động giả tồn hồ từ.
Dịch: Diễn đến cùng cực cái phức tạp, sâu kín trong thiên hạ là ở các quẻ, cổ võ sự hoạt động trong thiên hạ là ở lời đoán.
7. Hoá nhi tài chi tồn hồ biến; suy nhi hành chi tồn hồ thông, thần nhi minh chi tồn hồ kỳ nhân; mặc nhi thành chi bất ngôn nhi tín tồn hồ đức hạnh.
Dịch: Nhân cái tự nhiên sắp thay đổi mà tài chế nó là nhờ ở tinh thần biến hoá; suy từ việc này ra việc khác mà làm là nhờ ở tinh thần thông suốt; làm cho (đạo Dịch) thiêng liêng mà sáng tỏ là nhờ ở người; yên lặng mà làm nên, không nói mà (người khác) tin (mình), là nhờ ở đức hạnh.
Chú thích: tiết này như bổ túc tiết 4 ở trên, nên Phan Bội Châu dịch cả hai.

Chương 11

1. Tử viết: “Phù Dịch hà vi dã giả? Phù dịch khai vật thành vụ, mạo thiên chi đạo, như tư nhi dĩ giả dã. Thị cố thánh nhân dĩ thông thiên hạ chi chí, dĩ định thiên hạ chi nghiệp, dĩ đoán thiên hạ chi nghi”
Dịch: Thầy (Khổng) nói: “đạo dịch để làm gì vậy? để mở mang trí và chí cho loài người, tạo thành muôn việc; gồm hết các đạo lý trong thiên hạ, chỉ có vậy mà thôi. Cho nên thánh nhân dùng nó để thông cái chí của thiên hạ, thành tựu những việc trong thiên hạ, quyết đoán sự ngờ vực trong thiên hạ.?
2. Thị cố thi chi đức viên nhi thần, quái chi đức phương dĩ trí, lục hào chi nghĩa dịch dĩ cống.
Thánh nhân dĩ thử tẩy tâm, thoái tàng ư mật, cát hung dữ dân đồng loạn, thần dĩ tri lai, trí dĩ tàng vãng. Kỳ thục năng dự ư thử? Cổ chi thông minh duệ trí, thần vũ nhi bất sát giả phù?
Dịch: Cái đức của cỏ thi tròn trịa (biến hoá, không nhất định) mà thần diệu, cái đức của quẻ bói vuông vức (nhất định) mà sáng suốt, cái nghĩa của sáu hào biến đổi để chỉ bảo chúng ta. Thánh nhân dùng ba đức ấy mà rửa lòng (cho trong sạch), lúc vô sự thì cất giấu đạo đức ấy ở đáy lòng, lúc hữu sự thì biết được tốt xấu mà với dân cùng vui, cùng lo, (vừa) , thần minh để biết trước việc sẽ tới (vừa) sáng suốt để chứa cất những kinh nghiệm cũ. Ai có thể được như vậy? Chắc chỉ có những cổ nhân thông minh sáng suốt dùng uy vũ một cách thần diệu mà chẳng tàn sát (1) là được vậy thôi.
Chú thích: (1) Mấy chữ “thần vũ nhi bất sát” chúng tôi dịch theo Phan Bội Châu. Chu Hi giảng là “hợp lẽ mà không đối vật nào”. Wilhelm dịch là “cái thần quyền không giảm của mình”.
3. Thị dĩ minh ư thiên chi đạo nhi sát ư dân chi cổ, thị hưng thần vật dĩ tiền dân dụng. Thánh nhân dĩ thử trai giới dĩ thần minh kỳ đức phù.
Dịch: cho nên (thánh nhân) làm rõ đạo trời mà hiểu nguyên cớ (tình cảnh?) của dân, mới tạo thần vật đó (tức bói Dịch), để dân lúc cần tới thì dùng. Vì thế mà thánh nhân (khi làm việc đó phải) trai giới để cho đức của mình được thần diệu, sáng tỏ.
Chú thích: tiết này Phan Bội Châu lại bỏ.
4. Thị cố hạp hộ vị chi Khôn, tịch hộ vị chi Càn. Nhất hạp nhất tịch chi biến, vãng lai bất cùng chi vị thông, hiện nãi vị chi tượng, hình nãi vị chi khí, chế nhi dụng chi vị chi pháp, lợi dụng xuất nhập, dân hàm dụng chi vị chi thần.
Dịch: đóng cửa gọi là Khôn (vì khí âm – khôn có tính cách thu liễm, cất (giấu), mở cửa gọi là Càn (khí dương – Càn – ngược lại với khí âm). Một lần đóng, một lần mở gọi là biến, qua lại không ngừng gọi là thông; lẽ biến thông đó khi hiện ra ở sự vật thì gọi là “tượng”; mô phỏng cái tượng đó mà tạo ra hình thì gọi là đồ dùng, cách chế mà dùng đồ đó gọi là “phép”; khi ra khi vào (nghĩa là trong đời sống hằng ngày) mọi người đều dùng nó, như vậy mới gọi là thần (vạn năng).
5. Thị cố Dịch hữu thái cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái.
Dịch: dịch có thái cực, thái cực sinh ra lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh ra tứ tượng, tứ tượng sinh ra bát quái.
Chú thích: Những từ ngữ lưỡng nghi, tứ tượng được giảng ở phần I, Chương I. Quan niệm thái cực, thời Văn Vương, Chu Công chưa có, thời Chiến quốc hay Hán mới xuất hiện; tới đời tống lại thêm quan niệm vô cực nữa (các tiết từ đây trở xuống, Phan Bội Châu đều bỏ).
6. Bát quái định cát hung, cát hung sinh đại nghiệp.
Dịch: Tám quẻ để định cát hung, có cát hung rồi sinh ra nghiệp lớn.
7. Thị cố pháp tượng mạc đại hồ thiên địa; biến thông mạc đại hồ tứ thời; huyền tượng trứ minh mạc đại hồ nhật nguyệt; sùng cao mạc đại hồ phú quí, bị vật trí dụng, lập (1) thành khí dĩ vi thiên hạ lợi, mạc đại hồ thánh nhân; thám trách sách ẩn, câu thâm trí viễn dĩ định thiên hạ chí cát hung, thành thiên hạ chi vỉ vỉ giả, mạc đại hồ thi qui.
Dịch: Làm mẫu mực và hình tượng (2) thì không gì lớn bằng trời đât, về biến thông thi không gì lớn bằng bốn mùa, về hình tượng treo ở trên trời và sáng rỡ thì không gì lớn bằng mặt trời mặt trăng; được tôn sùng, cao cả thì không gì lớn hơn giàu sang (3) chuẩn bị sự vật để dùng, tạo lập (1) khí cụ làm lợi cho thiên hạ thì không ai lớn hơn thánh nhân; dò cái thâm u, tìm cái kín đáo, thấu cái sâu, đạt được cái xa, mà định sự cát hung cho thiên hạ khiến cho thiên hạ đều gắn gỏi (4), thì không gì bằng cỏ thi và yếm rùa.
Chú thích: (1) Chu Hi ngờ rằng sau chữ lập này, sót một chữ.
(2) Wilhelm dịch “pháp tượng” là hình tượng thiết yếu nhất.
(3) Chu Hi chú thích: giàu sang ở đây trỏ ngôi vua vì vua có cả thiên hạ và quí nhất trong thiên hạ.
(4) Chu Hi giảng: khi ngờ vực thì người ta không ham làm, nhờ bói mà người ta tin tưởng, quyết định, lúc đó mới cố gắng.
7. Thị cố thiên sinh thần vật, thánh nhân tắc chi; thiên địa biến hoá, thánh nhân hiệu chi; thiên thùy tượng, hiện cát hung, thánh nhân tượng chi; Hà xuất đồ, Lạc xuất thư, thánh nhân tắc chi.
Dịch: Cho nên trời sinh ra thần vật (Hà đồ, Lạc thư) thì thánh nhân áp dụng theo; trời đất biến hoá thì thánh nhân bắt chước; trời bày ra hình tượng, hiện ra tốt xấu thì thánh nhân phỏng theo mà nảy ra ý tượng; ở sông Hoàng Hà hiện ra bức đồ, ở sông Lạc hiện ra hình chữ (lạc thư) thì thánh nhân áp dụng theo.
9. Dịch hữu tứ tượng sở dĩ thị dã; hệ từ yên sở dĩ cáo dã; định chi dĩ cát hung sở dĩ đoán dã.
Dịch: Dịch có tứ (1) tượng để cho người ta thấy, có những lời (đoán) ghép vào (mỗi quẻ, mỗi hào) để chỉ cho người ta ý nghĩa lại định thế nào là tốt là xấu để người ta quyết đoán.
Chú thích: (1) R. Wilhelm không dịch chữ “tứ” này, có lý. Coi chú thích tiết 2 Chương sau.
(Chương này đề cao dịch về phương diện bói toán, không có tư tưởng gì sâu sắc. )

Chương 10

1. Dịch hữu thánh nhân chi đạo tứ yên. Dĩ ngôn giả thượng kỳ từ, dĩ động giả thượng kỳ biến, dĩ chế khí giả thượng kỳ tượng, dĩ bốc phệ giả thượng kỳ chiêm.
Dịch: Kinh Dịch có bốn cái đạo của thánh nhân. Khi nói năng, ta theo (1) lời từ (quái từ, hào từ), khi hành động ta tuân theo lẽ biến hoá trong kinh đó; khi chế tạo đồ dùng, chúng ta phỏng theo những hình tượng trong kinh đó, khi bói toán ta nghe lời giải đoán.
Chú thích: (1) Nguyên văn: thượng là chuộng.
Tiết này kể bốn công dụng của Dịch.
2. Thị dĩ quân tử tương hữu vi dã, tương hữu hành dã, vấn yên nhi dĩ ngôn.
Kỳ thụ mệnh dã như hưởng, vô hữu viễn cận, u thâm, toại tri lai vật. Phi thiên hạ chi chí tinh, kỳ thục năng dự ư thử?
Dịch: Cho nên người quân tử sắp làm hay tiến hành việc gì thì dùng lời (Khấn? ) mà hỏi Dịch. Dịch nhận được lời hỏi và trả lời nhanh như tiếng vang. Không kể xa gần sâu tối, Dịch cũng biết được cái gì sẽ xảy ra. (Nếu Dịch) không phải là cái gì rất tinh vi trong thiên hạ thì đâu làm được như vậy? (Nguyên văn là: làm sao dự được vào việc ấy?) .
3. Tham ngũ dĩ biến, thác tổng kỳ số. Thông kỳ biến toại thành thiên địa chi văn, cực kỳ số toại định thiên hạ chi tượng. Phi thiên hạ chi chí biến, kỳ thục năng dự ư thử?
Dịch: Lấy số ba số năm mà đếm (hoặc làm ba lần năm lần) để tìm một sự biến thi thành được cái văn vẻ của trời đất, tăng đến cực điểm các số thì định được hết các hình tượng trong thiên hạ. (Nếu Dịch) không là cái gì rất biến hoá trong thiên hạ thì đâu làm được như vậy?
Chú thích: Tiết này khó hiểu, mỗi sách giảng một khác. Đại ý cũng chỉ là đề cao công dụng huyền diệu của Dịch.
4. Dịch vô tư dã, vô vi dã, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố. Phi thiên hạ chi chí thần kỳ thục năng dự ư thử?
Dịch: dịch không nghĩ ngợi gì cả, không làm gì cả, yên lặng, không động; nó chỉ cảm mà thấu được các biến cố trong thiên hạ. Nếu nó không phải là cái thần diệu tột bực trong thiên hạ thì đâu làm được như vậy?
Chú thích: Phan Bội Châu bỏ cả 4 tiết trên, Tiết 4 này cơ hồ mang tư tưởng vô vi của Lão.
5. Phù Dịch thánh nhân chi sở dĩ cực thâm nhi nghiên cơ dã.
Dịch: Thánh nhân nhờ Dịch mà biết được sâu và xét được tinh vi (từ khi sự việc mới manh nha).
6. Duy thâm dã cố năng thông thiên hạ chi chí, duy cơ dã cố năng thành thiên hạ chi vụ, duy thần dã cố bất tật nhi tốc, bất hành nhi chí.
Dịch: chỉ nhờ biết được sâu nên mới thông hiểu được cái chí của thiên hạ, chỉ nhờ xét được tinh vi nên mới hoàn thành được mọi việc trong thiên hạ. Chỉ nhờ thần diệu cho nên không vội vàng mà hoá ra mau chóng, không đi mà đến được.
Chú thích: Phan Bội Châu chỉ dịch hai tiết trên, còn thì bỏ hết.
7. Tử viết: “dịch hữu thánh nhân chi đạo tứ yên giả, thử chi vị dã”.
Dịch: Thầy (Khổng) nói: “Kinh Dịch có bốn cái đạo của thánh nhân là thế đấy”.

Chương 9

(Phan Bội Châu bỏ trọn)

1. Thiên nhất địa nhị, thiên tam địa tứ, thiên ngũ địa lục, thiên thất địa bát, thiên cửu địa thập.
Dịch: Số của trời là một, của đất là hai, của trời là ba, của đất là bốn; của trời là năm, của đất là sáu; của trời là bảy, của đất là tam; của trời là chín, của đất là mười.
Chú thích: Chương này thuộc về tượng số học và phép bói, có thể viết vào đầu đời Hán- Coi Phần I, Chương III, và coi hình Hà Đồ, Lạc Thư Phần I, ChươngI.
2. Thiên số ngũ, địa số ngũ. Ngũ vị tương đắc nhi các hữu hợp. Thiên số nhị thập hữu ngũ, địa số tam thập. Phàm thiên địa chi số ngũ thập hữu ngũ. Thử sở dĩ thành biến hoá nhi hành quỉ thần dã.
Dịch: có năm số về trời (tức những số lẻ: 1, 3, 5, 7, 9), năm số về đất (tức những số chẳn: 2, 4, 6, 8, 10). Có năm số về trời tương đắc với năm số về đất (theo Chu Hi thì 1 tương đắc với 2, 3 với 4, 5 với 6,7 với 8,9 với 10), và có năm số về trời hợp với năm số về đất (cũng theo Chu Hi, 1 hợp với 6,2 hợp với 7,3 hợp với 8,4 hợp với 9,5 hợp với 10) (1). Tổng số của trời là 25( 1 + 3 + 5 + 7 + 9), tổng số của đất là 30 ( 2 + 4 + 6 + 8 + 10); cộng cả số của trời và của đất là 55 (25 + 30). Do đó mà thành ra biến hoá và hành động như quỉ thần (2) (Chu Hi bảo quỉ thần là sự co duỗi, đi lại của số lẻ, số chẵn sinh ra).
Chú thích: (1) Chúng tôi dịch theo Chu Hi. R. Wilhelm dịch khác: ‘Khi những số của trời và của đất được phân phối thành năm chỗ (five places – ngũ vị) thì mỗi số có một số bổ túc cho nó (các hữu hợp)” J. Legge dịch cũng đại khái như vậy: các hữu hợp là “mỗi số có một số khác thành một cặp”.
(2) R. Wilhelm dịch là: nhờ đó . . . mà làm cho quỉ, thần tác động Chúng tôi thú thực chẳng hiểu gì cả.
3. Đại diễn chi số ngũ thập. Kỳ dụng tứ thập hữu cửu, phân nhi vị nhị dĩ tượng lưỡng. Quải nhất dĩ tượng tam. Thiệt chi dĩ tứ dĩ tượng tứ thời. Qui cơ ư lặc dĩ tượng nhuận. Ngủ tuế tái nhuận, cố tái lặc nhi hậu quải.
Dịch: Số đại diễn là 50 (1) Nhưng trong việc bói chỉ dùng 49 cọng cỏ thi, chia làm hai để tượng trưng lưỡng nghi (hay trời đất). Rồi lấy một cài vào khi ngón út tay trái để tượng trưng tam tài (trời, đất, người). Tách ra mà đếm cứ bốn một để tượng, trưng bốn mùa. Dành chỗ lẻ còn lại mà kẹp ở khe ngón giữa tay trái để tượng trưng tháng nhuận. Năm năm thì có hai năm nhuận, cho nên dành ra hai lần lẻ, rồi sau lại làm lại từ đầu (2).
Chú thích: tiết này khó hiểu, và nói về cách thức bói.
(1) Chu Hi bảo: “số đại diễn là 50 vì trong cung Hà đồ, số trời 5 cưỡi trên số đất lo mà thành ra” Chúng tôi chẳng hiểu gì cả.
(2) Tôi dịch theo J.Legge “and after wards the whole process is repeated” R. Wilhelm dịch là “this give us the whole”, nghĩa cũng tựa như J.Legge: như vậy là xong một lần.
Nguyễn Duy Tỉnh (Chu Dịch bản nghĩa: bộ Văn Hoá xuất bản 1968) dịch là “rồi mới kẹp vào”, tôi e sai.
4. Càn chi sách nhị bách nhất thập hữu lục; Khôn chi sách bách tứ thập hữu tứ, phàm tam bách hữu lục thập, dương cơ chi nhật.
Dịch: Thẻ của Càn là 216, thẻ của Khôn là 144, cộng là 360, hợp với số ngày trong một năm.
Chú thích: Càn và Khôn trong tiết này trỏ quẻ Thuần Càn (6 hào dương) và quẻ Thuần Khôn (6 hào âm). “Sách” chúng tôi dịch theo tự điển là thẻ (có lẽ là cọng cỏ thi?) R. Wilhelm dịch là “những số sinh ra (?) (yield) quẻ Càn là 216”. J. Legge dịch là “những số cần (?) (required) cho quẻ Càn là 216”.
Do đâu mà có những số 216 và 144? Wilhelm và Legge mỗi nhà giảng một khác (coi I Ching tr. 311, 312 , và The I Ching tr. 368 – sách đã dẫn), chúng tôi không hiểu mà cũng không cho là quan trọng, cho nên không dịch.
Số ngày trong một năm: 360 là số chẵn, chứ thực ra người Trung Hoa thời đó đã biết mỗi năm gồm 365 ngày và một phần tư ngày.
5. Nhị thiên chi sách vạn hữu nhất thiên ngũ bách nhị thập, dương vạn vật chi số dã.
Dịch: Số thẻ của hai thiên (tức thiên thượng và thiên hạ trong Kinh Dịch, tức số thẻ của 64 quẻ Trùng - vì thiên thượng gồm 30 quẻ, thiên hạ gồm 34 quẻ) là 11.520, hợp với số của vạn vật.
Chú thích: Chữ “sách” ở tiết này, Wilhelm lại dịch là “thẻ” (stalk) tức thẻ cỏ thi chăng?.
Chu Hi giảng: Hai thiên trong Kinh Thi gồm tất cả 192 hào dương và 192 hào âm. Như tiết trên đã nói, số của quẻ Càn là 216, vậy số của mỗi hào quẻ Càn , tức mỗi hào dương là 216 : 6 = 36; số của quẻ Khôn là 144, vậy số của mỗi hào quẻ Khôn, tức mỗi hào âm là 144 “ 6 = 24. Tổng số 192 hào dương là 36 x 192 = 6.912; tổng số 192 hào âm là 24 x 192 = 4.608 . Cộng cả dương lẫn âm được: 6.912 + 4.608 = 11.520.
Số 11.520 hợp với số của vạn vật là nghĩa làm sao? Chúng tôi không hiểu. Có lẽ người Trung Hoa thời đó cho rằng trong vũ trụ có khoảng một vạn mốt loài chăng?
6. Thị cố tứ doanh nhi thành Dịch, thập hữu bát biến nhi thành quái.
Dịch: cho nên bốn lần mà thành một lần biến, mười tám lần biến mới thành một quẻ.
Chú thích: Theo Chu Hi, bốn lần tráo trộn là : 1 – chia bỏ 50 thẻ cỏ thì làm hai; 2 – bỏ một thẻ ra, còn 49 thẻ; 3 – đếm những thẻ bên tay trái, cứ bốn một, kẹp số thẻ còn lại: 4 – đếm những thẻ bên tay mặt, cứ bốn một, kẹp số thẻ còn lại. Như vậy được một lần biến.
Ba lần biến như vậy thành một hào; mười tám lần biến thành sáu hào tức một quẻ trùng.
7. Bát quái nhi tiểu thành.
Dịch: Được tám quẻ đơn rồi thì gọi là “tiểu thành”
Chú thích: Ba lần biến thì thành một hào: khi thành ba hào thì được một quẻ đơn; được tám quẻ đơn thì gọi là “tiểu thành”.
Chúng tôi đoán rằng khi bói được quẻ đơn thứ nhất, tức nội quái, như vậy gọi là “tiểu thành” (sự hoàn thành nhỏ). Rồi khi được tiếp quẻ đơn thứ nhì, tức ngoại quái, lúc đó mới có đủ một trùng quái để đoán, mà gọi là “đại thành” chăng? Coi lại đoạn “Hễ động thì biến” ở phần I cuối Chương IV.
8. Dẫn nhi thân chi, xúc loại nhi trưởng chi, thiên hạ chi năng sự tất hĩ.
Dịch: cứ như vậy mà tiếp tục mở trộng ra, tiếp xúc với từng loại mà khai triển ra thì gồm tóm hết được mọi việc có thể xảy ra trong thiên hạ.
Chú thích: Chu Hi giảng: “Đã thành sáu hào rồi thì xem hào có biến hay không mà biết động tĩnh, một quẻ có thể biến thành 64 quẻ (do sự biến động của một hào hay nhiều hào ), và 64 quẻ thành ra 64 x 64 = 4.096 hết thảy” (Số 4.096 quẻ này diễn được đủ tất cả các việc xảy ra trong đời).
9. Hiển đạo, thần đức hạnh, thi cố khả dữ thù tạc, khả dữ hựu thần hĩ.
Dịch: Kinh Dịch làm rõ rệt cái đạo và làm cho đức hạnh có cái gì như huyền bí (thần, cho nên có thể giúp chúng ta (thích) ứng được với biến cố và giúp được thần linh nữa (hoặc giúp cho cái công thần hoá).
Chú thích: Tiết này tối nghĩa. Chúng tôi theo R. Wilhelm và J. Legge cho chữ thần 神 là động từ như chữ hiển 顯, và dịch như trên. Nguyễn Duy Tinh (sách đã dẫn) cho thần là danh từ như đức hạnh và dịch là: “Làm rõ rệt đạo, thần, đức, hạnh nên có thể cùng ứng đối, cùng giúp cho cái công thần hoá vậy.”
10. Tử viết: “Tri biến hoá chi đạo giả, kỳ tri thần chi sở vi hồ?”
Dịch: Thầy (Khổng) nói: “ai biết được đạo biến hoá thì biết được việc làm của thần chăng?”
(Chương này nói về sự mầu nhiệm của những con số và về phép bói, chúng tôi cũng dịch trọn để độc giả thấy Kinh Dịch từ đời Hán đã bớt đi tính cách triết mà mang tính huyền bí ra sao).