1. Dịch chi vi thư dã bất khả viễn.
Vi đạo dã lũ thiên
Biến động bất cư,
Chu lưu lục hư,
Thượng hạ vô thường,
Cương nhu tương dịch
Bất khả vi điển yếu,
Duy biến sở thích.
Dịch:
Sách dịch không thể quên (1)
Đạo Dịch thường biến thiên.
Biến động không ngừng.
Xoay quanh sáu cõi (2)
Thăng giáng không nhất định (3)
Cương nhu (dương âm) thay nhau.
Không dùng làm khuôn mẫu bất dịch được (4)
Có biến hoá mới thích hợp.
Chú thích: Tiết này có âm tiết, có vần gần như thơ, đại ý bảo Dịch là Biến Dịch.
(1) Không thể quên hay không thể rời được vì Dịch là sách hướng dẫn ta
trong mọi việc hằng ngày. Có người hiểu là Dịch không xa rời âm dương
được. vì căn bản của Dịch là âm dương.
(2) Lục hư ở đây có thể hiểu là 6 hào trong mỗi quẻ.
(3) Vì “dương” thẳng mà cương có khi giáng; âm giáng cũng có khi thăng.
(4) Điểm yếu là khuôn mẫu bất dịch cho mọi việc mọi thời được.
2. Ký xuất nhập dĩ độ,
Nội ngoại sử tri cụ.
Dịch: (Dịch) ra vào có chừng mực.
(việc) trong (việc) ngoài, (Dịch) khuyên ta phải thận trọng.
Chú thích: Tiết này tối nghĩa, e sót chữ hay lầm Phan Bội Châu không dịch.
3. Hựu minh ư ưu hoạn dữ cố,
Vô hữu sư bảo,
Như lâm phụ mẫu.
Dịch: (Dịch) lại làm cho (ta) rõ sự lo lắng và nguyện ước.
(Cho nên) ta tuy không có thầy mà như được cha mẹ săn sóc (vì có Kinh Dịch) .
Chú thích: tiết này Phan Bội Châu cũng bỏ.
3. Sơ suất kỳ từ nhi quĩ kỳ phương.
Ký hữu điển thường,
Cẩu phi kỳ nhân,
Đạo bất hư hành.
Dịch: Mới đầu do lời (Thoán từ, Hào từ) mà đắn đo ý nghĩa,
Khi thấy qui tắc rồi,
Nhưng nếu không phải là người (sáng suốt) thì cũng không thi hành đạo (dịch) được.
Chú thích: Hai câu cuối có thể hiểu là:
Nhưng nếu không có người (sáng suốt)
Thì đạo (Dịch) không thể sáng tỏ được.
No comments:
Post a Comment