1. Thiên tôn địa ti, Càn khôn định hĩ; ti cao dĩ trần, quí tiện vị hĩ.
Động tĩnh hữu thường, cương nhu đoán hĩ.
Phương dĩ tụ loại, vật dĩ quần phân, cát hung sinh hĩ.
Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình, biến hoá hiện hĩ. (1).
Dịch: (vì thấy) trời cao đất thấp (mà thánh nhân) vạch ra quẻ Càn và quẻ
Khôn; cao thấp đã bày ra thì định được quí và tiện (dương quí mà âm
tiện).
Động và tĩnh đã có luật nhất định do đó mà phân biệt cương và nhu (dương là cương động; âm là nhu, tĩnh).
Việc (1) có xu hướng phải trái nên sắp với nhau thành nhóm; vật có hình
riêng nên chia ra từng bầy; do đó mà đặt ra lời cát và hung.
Xem trên trời thấy (nhật nguyệt tinh thần . . .) thành ra nhiều tượng;
xem dưới đất thấy (núi sông, vạn vật . . .) thành ra nhiều hình; sự biến
hoá như vậy đã hiện rõ.
Chú thích: tiết này nói về nguồn gốc và nguyên lý Kinh dịch.
(1). Chữ phương ở đây có người hiểu là nơi và dịch: các loài tụ lại từng
phương. Chúng tôi theo Phan Bội Châu mà dịch như trên. R. Wilhelm dịch
là biến cố.
2. Thị cố cương nhu tương ma, bát quái tương đăng.
Dịch: cho nên cứng và mềm cọ nhau, giao nhau mà thành bát quái, bát quái
luân chuyển nhau (chồng lẫn lên nhau mà thành sáu mươi bốn quẻ).
3. Cổ chi dĩ lôi đình, nhuận chi dĩ phong vũ, nhật nguyệt vận hành, nhất hàn nhất thử.
Dịch : Cổ động cho muôn vật bằng sấm sét (ám chỉ quẻ Chấn); thấm nhuần
cho muôn vật bằng gió mưa (ám chỉ quẻ Tốn), mặt trời mặt trăng xoay vần,
cứ lạnh rồi tới nóng (thay đổi nhau hoài).
Chú thích: đây nói về sự biến hoá thành ra các tượng ở trên trời.
4. Càn đạo thành nam, Khôn đạo thành nữ.
Dịch: Có đạo Càn (tức khí dương) nên thành giống đực, có đạo Khôn (tức khí âm) nên thành giống cái.
Chú thích: Chữ đạo ở đây không có nghĩa là đạo đức, cũng không hẳn có
nghĩa như trong “Đạo đức kinh”. Có thể tạm coi là luật thiên nhiên. Nam,
nữ thường dịch là trai, gái, như vậy là chỉ xét chung về loài người
thôi, nghĩa hẹp đi.
5. Càn tri thái (có người đọc là đại) thủy, Khôn tác thành vật.
Dịch: đạo Càn làm chủ (tác động) lúc mới đầu (lúc chưa thành hình); rồi sau đạo Khôn làm cho (vạn vật) ngưng kết mà thành hình.
Chú thích: Chữ tri ở đây không có nghĩa là biết; mà có nghĩa là làm chủ, như tri phủ, tri huyện. . .
6. Càn dĩ dị tri, khôn dĩ giản năng.
Dịch: Càn (nhờ đức cương kiện mà động nên) dễ dàng, không tốn sức mà làm
chủ tác động lúc mới đầu; Khôn (nhờ đức nhu thuận mà) đơn giản, không
rối ren mà tác thành vạn vật.
Chú thích: tiết là tiếp tiết trên. Tiết trên nói về công dụng của Càn,
Khôn; tiết này nói về đức của Càn, khôn. Chữ tri ở đây nghĩa như chữ tri
ở trên, chữ năng ở đây nghĩa như chữ tác ở trên.
7. Dị tắc dị tri, giản tắc dị tòng. Dị tri tắc hữu thân, dị tòng tắc hữu
công. Hữu thân tắc khả cửu, hữu công tắc khả đại. Khả cửu tắc hiền nhân
chi đức, khả đại tắc hiền nhân chi nghiệp.
Dịch: (Người ta nếu bắt chước Càn, xử thế một cách) bình dị thì (lòng
minh) người khác dễ biết (1); (nếu bắt chước Khôn mà xử sự một cách) đơn
giản thì người khác dễ theo mình. Người khác dễ biết mình thì có nhiều
người thân với mình; người khác dễ theo mình thì mình lập được công lao.
Có nhiều người thân thì mình được lâu dài (2), lập được nhiều công thì
sự nghiệp mình lớn. Mình được lâu dài thì là có đức của hiền nhân, có sự
nghiệp lớn thì là có sự nghiệp của hiền nhân.
Chú thích: Mấy tiết trên nói về đạo, đức của Càn, Khôn; tiết này nói về người hiền.
(1) Dị tắc dị tri: chữ tri ở đây không có nghĩa là làm chủ như trong hai
tiết trên, mà có nghĩa là biết. Chữ dị thứ nhất nghĩa là giản, chữ dị
thứ nhì (dị tri) là dễ, trái với nan là khó.
(2) Cửu: lâu dài, có nghĩa là giữ chức vụ lâu, vì nhiều người đồng tâm với mình.
8. Dị giản nhi thiên hạ chi lí đắc hĩ, thiên hạ chi lý đắc nhi thành vị hồ kì trung hĩ.
Dịch: có đức “dị” (của Càn), có đức “giản” (của Khôn) thế là nắm được
đạo lý trong thiên hạ rồi; nắm được đạo lý trong thiên hạ, thế là có
được cái địa vị ở giữa trời và đất (cùng với trời đất thành ba ngôi: tam
tài: trời, người, đất, tham dự được với trời đất.
Chú thích: thành vị hồ kỳ trung, R. Wilhelm dịch là “sự toàn thiện ở
trong đó” tức đạt được sự toàn thiện. J.Legge, trong The I ching. Theo
Chu Hi, dịch như chúng tôi.
No comments:
Post a Comment