Saturday, February 28, 2015

Chương 11

1. Tử viết: “Phù Dịch hà vi dã giả? Phù dịch khai vật thành vụ, mạo thiên chi đạo, như tư nhi dĩ giả dã. Thị cố thánh nhân dĩ thông thiên hạ chi chí, dĩ định thiên hạ chi nghiệp, dĩ đoán thiên hạ chi nghi”
Dịch: Thầy (Khổng) nói: “đạo dịch để làm gì vậy? để mở mang trí và chí cho loài người, tạo thành muôn việc; gồm hết các đạo lý trong thiên hạ, chỉ có vậy mà thôi. Cho nên thánh nhân dùng nó để thông cái chí của thiên hạ, thành tựu những việc trong thiên hạ, quyết đoán sự ngờ vực trong thiên hạ.?
2. Thị cố thi chi đức viên nhi thần, quái chi đức phương dĩ trí, lục hào chi nghĩa dịch dĩ cống.
Thánh nhân dĩ thử tẩy tâm, thoái tàng ư mật, cát hung dữ dân đồng loạn, thần dĩ tri lai, trí dĩ tàng vãng. Kỳ thục năng dự ư thử? Cổ chi thông minh duệ trí, thần vũ nhi bất sát giả phù?
Dịch: Cái đức của cỏ thi tròn trịa (biến hoá, không nhất định) mà thần diệu, cái đức của quẻ bói vuông vức (nhất định) mà sáng suốt, cái nghĩa của sáu hào biến đổi để chỉ bảo chúng ta. Thánh nhân dùng ba đức ấy mà rửa lòng (cho trong sạch), lúc vô sự thì cất giấu đạo đức ấy ở đáy lòng, lúc hữu sự thì biết được tốt xấu mà với dân cùng vui, cùng lo, (vừa) , thần minh để biết trước việc sẽ tới (vừa) sáng suốt để chứa cất những kinh nghiệm cũ. Ai có thể được như vậy? Chắc chỉ có những cổ nhân thông minh sáng suốt dùng uy vũ một cách thần diệu mà chẳng tàn sát (1) là được vậy thôi.
Chú thích: (1) Mấy chữ “thần vũ nhi bất sát” chúng tôi dịch theo Phan Bội Châu. Chu Hi giảng là “hợp lẽ mà không đối vật nào”. Wilhelm dịch là “cái thần quyền không giảm của mình”.
3. Thị dĩ minh ư thiên chi đạo nhi sát ư dân chi cổ, thị hưng thần vật dĩ tiền dân dụng. Thánh nhân dĩ thử trai giới dĩ thần minh kỳ đức phù.
Dịch: cho nên (thánh nhân) làm rõ đạo trời mà hiểu nguyên cớ (tình cảnh?) của dân, mới tạo thần vật đó (tức bói Dịch), để dân lúc cần tới thì dùng. Vì thế mà thánh nhân (khi làm việc đó phải) trai giới để cho đức của mình được thần diệu, sáng tỏ.
Chú thích: tiết này Phan Bội Châu lại bỏ.
4. Thị cố hạp hộ vị chi Khôn, tịch hộ vị chi Càn. Nhất hạp nhất tịch chi biến, vãng lai bất cùng chi vị thông, hiện nãi vị chi tượng, hình nãi vị chi khí, chế nhi dụng chi vị chi pháp, lợi dụng xuất nhập, dân hàm dụng chi vị chi thần.
Dịch: đóng cửa gọi là Khôn (vì khí âm – khôn có tính cách thu liễm, cất (giấu), mở cửa gọi là Càn (khí dương – Càn – ngược lại với khí âm). Một lần đóng, một lần mở gọi là biến, qua lại không ngừng gọi là thông; lẽ biến thông đó khi hiện ra ở sự vật thì gọi là “tượng”; mô phỏng cái tượng đó mà tạo ra hình thì gọi là đồ dùng, cách chế mà dùng đồ đó gọi là “phép”; khi ra khi vào (nghĩa là trong đời sống hằng ngày) mọi người đều dùng nó, như vậy mới gọi là thần (vạn năng).
5. Thị cố Dịch hữu thái cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái.
Dịch: dịch có thái cực, thái cực sinh ra lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh ra tứ tượng, tứ tượng sinh ra bát quái.
Chú thích: Những từ ngữ lưỡng nghi, tứ tượng được giảng ở phần I, Chương I. Quan niệm thái cực, thời Văn Vương, Chu Công chưa có, thời Chiến quốc hay Hán mới xuất hiện; tới đời tống lại thêm quan niệm vô cực nữa (các tiết từ đây trở xuống, Phan Bội Châu đều bỏ).
6. Bát quái định cát hung, cát hung sinh đại nghiệp.
Dịch: Tám quẻ để định cát hung, có cát hung rồi sinh ra nghiệp lớn.
7. Thị cố pháp tượng mạc đại hồ thiên địa; biến thông mạc đại hồ tứ thời; huyền tượng trứ minh mạc đại hồ nhật nguyệt; sùng cao mạc đại hồ phú quí, bị vật trí dụng, lập (1) thành khí dĩ vi thiên hạ lợi, mạc đại hồ thánh nhân; thám trách sách ẩn, câu thâm trí viễn dĩ định thiên hạ chí cát hung, thành thiên hạ chi vỉ vỉ giả, mạc đại hồ thi qui.
Dịch: Làm mẫu mực và hình tượng (2) thì không gì lớn bằng trời đât, về biến thông thi không gì lớn bằng bốn mùa, về hình tượng treo ở trên trời và sáng rỡ thì không gì lớn bằng mặt trời mặt trăng; được tôn sùng, cao cả thì không gì lớn hơn giàu sang (3) chuẩn bị sự vật để dùng, tạo lập (1) khí cụ làm lợi cho thiên hạ thì không ai lớn hơn thánh nhân; dò cái thâm u, tìm cái kín đáo, thấu cái sâu, đạt được cái xa, mà định sự cát hung cho thiên hạ khiến cho thiên hạ đều gắn gỏi (4), thì không gì bằng cỏ thi và yếm rùa.
Chú thích: (1) Chu Hi ngờ rằng sau chữ lập này, sót một chữ.
(2) Wilhelm dịch “pháp tượng” là hình tượng thiết yếu nhất.
(3) Chu Hi chú thích: giàu sang ở đây trỏ ngôi vua vì vua có cả thiên hạ và quí nhất trong thiên hạ.
(4) Chu Hi giảng: khi ngờ vực thì người ta không ham làm, nhờ bói mà người ta tin tưởng, quyết định, lúc đó mới cố gắng.
7. Thị cố thiên sinh thần vật, thánh nhân tắc chi; thiên địa biến hoá, thánh nhân hiệu chi; thiên thùy tượng, hiện cát hung, thánh nhân tượng chi; Hà xuất đồ, Lạc xuất thư, thánh nhân tắc chi.
Dịch: Cho nên trời sinh ra thần vật (Hà đồ, Lạc thư) thì thánh nhân áp dụng theo; trời đất biến hoá thì thánh nhân bắt chước; trời bày ra hình tượng, hiện ra tốt xấu thì thánh nhân phỏng theo mà nảy ra ý tượng; ở sông Hoàng Hà hiện ra bức đồ, ở sông Lạc hiện ra hình chữ (lạc thư) thì thánh nhân áp dụng theo.
9. Dịch hữu tứ tượng sở dĩ thị dã; hệ từ yên sở dĩ cáo dã; định chi dĩ cát hung sở dĩ đoán dã.
Dịch: Dịch có tứ (1) tượng để cho người ta thấy, có những lời (đoán) ghép vào (mỗi quẻ, mỗi hào) để chỉ cho người ta ý nghĩa lại định thế nào là tốt là xấu để người ta quyết đoán.
Chú thích: (1) R. Wilhelm không dịch chữ “tứ” này, có lý. Coi chú thích tiết 2 Chương sau.
(Chương này đề cao dịch về phương diện bói toán, không có tư tưởng gì sâu sắc. )

Chương 10

1. Dịch hữu thánh nhân chi đạo tứ yên. Dĩ ngôn giả thượng kỳ từ, dĩ động giả thượng kỳ biến, dĩ chế khí giả thượng kỳ tượng, dĩ bốc phệ giả thượng kỳ chiêm.
Dịch: Kinh Dịch có bốn cái đạo của thánh nhân. Khi nói năng, ta theo (1) lời từ (quái từ, hào từ), khi hành động ta tuân theo lẽ biến hoá trong kinh đó; khi chế tạo đồ dùng, chúng ta phỏng theo những hình tượng trong kinh đó, khi bói toán ta nghe lời giải đoán.
Chú thích: (1) Nguyên văn: thượng là chuộng.
Tiết này kể bốn công dụng của Dịch.
2. Thị dĩ quân tử tương hữu vi dã, tương hữu hành dã, vấn yên nhi dĩ ngôn.
Kỳ thụ mệnh dã như hưởng, vô hữu viễn cận, u thâm, toại tri lai vật. Phi thiên hạ chi chí tinh, kỳ thục năng dự ư thử?
Dịch: Cho nên người quân tử sắp làm hay tiến hành việc gì thì dùng lời (Khấn? ) mà hỏi Dịch. Dịch nhận được lời hỏi và trả lời nhanh như tiếng vang. Không kể xa gần sâu tối, Dịch cũng biết được cái gì sẽ xảy ra. (Nếu Dịch) không phải là cái gì rất tinh vi trong thiên hạ thì đâu làm được như vậy? (Nguyên văn là: làm sao dự được vào việc ấy?) .
3. Tham ngũ dĩ biến, thác tổng kỳ số. Thông kỳ biến toại thành thiên địa chi văn, cực kỳ số toại định thiên hạ chi tượng. Phi thiên hạ chi chí biến, kỳ thục năng dự ư thử?
Dịch: Lấy số ba số năm mà đếm (hoặc làm ba lần năm lần) để tìm một sự biến thi thành được cái văn vẻ của trời đất, tăng đến cực điểm các số thì định được hết các hình tượng trong thiên hạ. (Nếu Dịch) không là cái gì rất biến hoá trong thiên hạ thì đâu làm được như vậy?
Chú thích: Tiết này khó hiểu, mỗi sách giảng một khác. Đại ý cũng chỉ là đề cao công dụng huyền diệu của Dịch.
4. Dịch vô tư dã, vô vi dã, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố. Phi thiên hạ chi chí thần kỳ thục năng dự ư thử?
Dịch: dịch không nghĩ ngợi gì cả, không làm gì cả, yên lặng, không động; nó chỉ cảm mà thấu được các biến cố trong thiên hạ. Nếu nó không phải là cái thần diệu tột bực trong thiên hạ thì đâu làm được như vậy?
Chú thích: Phan Bội Châu bỏ cả 4 tiết trên, Tiết 4 này cơ hồ mang tư tưởng vô vi của Lão.
5. Phù Dịch thánh nhân chi sở dĩ cực thâm nhi nghiên cơ dã.
Dịch: Thánh nhân nhờ Dịch mà biết được sâu và xét được tinh vi (từ khi sự việc mới manh nha).
6. Duy thâm dã cố năng thông thiên hạ chi chí, duy cơ dã cố năng thành thiên hạ chi vụ, duy thần dã cố bất tật nhi tốc, bất hành nhi chí.
Dịch: chỉ nhờ biết được sâu nên mới thông hiểu được cái chí của thiên hạ, chỉ nhờ xét được tinh vi nên mới hoàn thành được mọi việc trong thiên hạ. Chỉ nhờ thần diệu cho nên không vội vàng mà hoá ra mau chóng, không đi mà đến được.
Chú thích: Phan Bội Châu chỉ dịch hai tiết trên, còn thì bỏ hết.
7. Tử viết: “dịch hữu thánh nhân chi đạo tứ yên giả, thử chi vị dã”.
Dịch: Thầy (Khổng) nói: “Kinh Dịch có bốn cái đạo của thánh nhân là thế đấy”.

Chương 9

(Phan Bội Châu bỏ trọn)

1. Thiên nhất địa nhị, thiên tam địa tứ, thiên ngũ địa lục, thiên thất địa bát, thiên cửu địa thập.
Dịch: Số của trời là một, của đất là hai, của trời là ba, của đất là bốn; của trời là năm, của đất là sáu; của trời là bảy, của đất là tam; của trời là chín, của đất là mười.
Chú thích: Chương này thuộc về tượng số học và phép bói, có thể viết vào đầu đời Hán- Coi Phần I, Chương III, và coi hình Hà Đồ, Lạc Thư Phần I, ChươngI.
2. Thiên số ngũ, địa số ngũ. Ngũ vị tương đắc nhi các hữu hợp. Thiên số nhị thập hữu ngũ, địa số tam thập. Phàm thiên địa chi số ngũ thập hữu ngũ. Thử sở dĩ thành biến hoá nhi hành quỉ thần dã.
Dịch: có năm số về trời (tức những số lẻ: 1, 3, 5, 7, 9), năm số về đất (tức những số chẳn: 2, 4, 6, 8, 10). Có năm số về trời tương đắc với năm số về đất (theo Chu Hi thì 1 tương đắc với 2, 3 với 4, 5 với 6,7 với 8,9 với 10), và có năm số về trời hợp với năm số về đất (cũng theo Chu Hi, 1 hợp với 6,2 hợp với 7,3 hợp với 8,4 hợp với 9,5 hợp với 10) (1). Tổng số của trời là 25( 1 + 3 + 5 + 7 + 9), tổng số của đất là 30 ( 2 + 4 + 6 + 8 + 10); cộng cả số của trời và của đất là 55 (25 + 30). Do đó mà thành ra biến hoá và hành động như quỉ thần (2) (Chu Hi bảo quỉ thần là sự co duỗi, đi lại của số lẻ, số chẵn sinh ra).
Chú thích: (1) Chúng tôi dịch theo Chu Hi. R. Wilhelm dịch khác: ‘Khi những số của trời và của đất được phân phối thành năm chỗ (five places – ngũ vị) thì mỗi số có một số bổ túc cho nó (các hữu hợp)” J. Legge dịch cũng đại khái như vậy: các hữu hợp là “mỗi số có một số khác thành một cặp”.
(2) R. Wilhelm dịch là: nhờ đó . . . mà làm cho quỉ, thần tác động Chúng tôi thú thực chẳng hiểu gì cả.
3. Đại diễn chi số ngũ thập. Kỳ dụng tứ thập hữu cửu, phân nhi vị nhị dĩ tượng lưỡng. Quải nhất dĩ tượng tam. Thiệt chi dĩ tứ dĩ tượng tứ thời. Qui cơ ư lặc dĩ tượng nhuận. Ngủ tuế tái nhuận, cố tái lặc nhi hậu quải.
Dịch: Số đại diễn là 50 (1) Nhưng trong việc bói chỉ dùng 49 cọng cỏ thi, chia làm hai để tượng trưng lưỡng nghi (hay trời đất). Rồi lấy một cài vào khi ngón út tay trái để tượng trưng tam tài (trời, đất, người). Tách ra mà đếm cứ bốn một để tượng, trưng bốn mùa. Dành chỗ lẻ còn lại mà kẹp ở khe ngón giữa tay trái để tượng trưng tháng nhuận. Năm năm thì có hai năm nhuận, cho nên dành ra hai lần lẻ, rồi sau lại làm lại từ đầu (2).
Chú thích: tiết này khó hiểu, và nói về cách thức bói.
(1) Chu Hi bảo: “số đại diễn là 50 vì trong cung Hà đồ, số trời 5 cưỡi trên số đất lo mà thành ra” Chúng tôi chẳng hiểu gì cả.
(2) Tôi dịch theo J.Legge “and after wards the whole process is repeated” R. Wilhelm dịch là “this give us the whole”, nghĩa cũng tựa như J.Legge: như vậy là xong một lần.
Nguyễn Duy Tỉnh (Chu Dịch bản nghĩa: bộ Văn Hoá xuất bản 1968) dịch là “rồi mới kẹp vào”, tôi e sai.
4. Càn chi sách nhị bách nhất thập hữu lục; Khôn chi sách bách tứ thập hữu tứ, phàm tam bách hữu lục thập, dương cơ chi nhật.
Dịch: Thẻ của Càn là 216, thẻ của Khôn là 144, cộng là 360, hợp với số ngày trong một năm.
Chú thích: Càn và Khôn trong tiết này trỏ quẻ Thuần Càn (6 hào dương) và quẻ Thuần Khôn (6 hào âm). “Sách” chúng tôi dịch theo tự điển là thẻ (có lẽ là cọng cỏ thi?) R. Wilhelm dịch là “những số sinh ra (?) (yield) quẻ Càn là 216”. J. Legge dịch là “những số cần (?) (required) cho quẻ Càn là 216”.
Do đâu mà có những số 216 và 144? Wilhelm và Legge mỗi nhà giảng một khác (coi I Ching tr. 311, 312 , và The I Ching tr. 368 – sách đã dẫn), chúng tôi không hiểu mà cũng không cho là quan trọng, cho nên không dịch.
Số ngày trong một năm: 360 là số chẵn, chứ thực ra người Trung Hoa thời đó đã biết mỗi năm gồm 365 ngày và một phần tư ngày.
5. Nhị thiên chi sách vạn hữu nhất thiên ngũ bách nhị thập, dương vạn vật chi số dã.
Dịch: Số thẻ của hai thiên (tức thiên thượng và thiên hạ trong Kinh Dịch, tức số thẻ của 64 quẻ Trùng - vì thiên thượng gồm 30 quẻ, thiên hạ gồm 34 quẻ) là 11.520, hợp với số của vạn vật.
Chú thích: Chữ “sách” ở tiết này, Wilhelm lại dịch là “thẻ” (stalk) tức thẻ cỏ thi chăng?.
Chu Hi giảng: Hai thiên trong Kinh Thi gồm tất cả 192 hào dương và 192 hào âm. Như tiết trên đã nói, số của quẻ Càn là 216, vậy số của mỗi hào quẻ Càn , tức mỗi hào dương là 216 : 6 = 36; số của quẻ Khôn là 144, vậy số của mỗi hào quẻ Khôn, tức mỗi hào âm là 144 “ 6 = 24. Tổng số 192 hào dương là 36 x 192 = 6.912; tổng số 192 hào âm là 24 x 192 = 4.608 . Cộng cả dương lẫn âm được: 6.912 + 4.608 = 11.520.
Số 11.520 hợp với số của vạn vật là nghĩa làm sao? Chúng tôi không hiểu. Có lẽ người Trung Hoa thời đó cho rằng trong vũ trụ có khoảng một vạn mốt loài chăng?
6. Thị cố tứ doanh nhi thành Dịch, thập hữu bát biến nhi thành quái.
Dịch: cho nên bốn lần mà thành một lần biến, mười tám lần biến mới thành một quẻ.
Chú thích: Theo Chu Hi, bốn lần tráo trộn là : 1 – chia bỏ 50 thẻ cỏ thì làm hai; 2 – bỏ một thẻ ra, còn 49 thẻ; 3 – đếm những thẻ bên tay trái, cứ bốn một, kẹp số thẻ còn lại: 4 – đếm những thẻ bên tay mặt, cứ bốn một, kẹp số thẻ còn lại. Như vậy được một lần biến.
Ba lần biến như vậy thành một hào; mười tám lần biến thành sáu hào tức một quẻ trùng.
7. Bát quái nhi tiểu thành.
Dịch: Được tám quẻ đơn rồi thì gọi là “tiểu thành”
Chú thích: Ba lần biến thì thành một hào: khi thành ba hào thì được một quẻ đơn; được tám quẻ đơn thì gọi là “tiểu thành”.
Chúng tôi đoán rằng khi bói được quẻ đơn thứ nhất, tức nội quái, như vậy gọi là “tiểu thành” (sự hoàn thành nhỏ). Rồi khi được tiếp quẻ đơn thứ nhì, tức ngoại quái, lúc đó mới có đủ một trùng quái để đoán, mà gọi là “đại thành” chăng? Coi lại đoạn “Hễ động thì biến” ở phần I cuối Chương IV.
8. Dẫn nhi thân chi, xúc loại nhi trưởng chi, thiên hạ chi năng sự tất hĩ.
Dịch: cứ như vậy mà tiếp tục mở trộng ra, tiếp xúc với từng loại mà khai triển ra thì gồm tóm hết được mọi việc có thể xảy ra trong thiên hạ.
Chú thích: Chu Hi giảng: “Đã thành sáu hào rồi thì xem hào có biến hay không mà biết động tĩnh, một quẻ có thể biến thành 64 quẻ (do sự biến động của một hào hay nhiều hào ), và 64 quẻ thành ra 64 x 64 = 4.096 hết thảy” (Số 4.096 quẻ này diễn được đủ tất cả các việc xảy ra trong đời).
9. Hiển đạo, thần đức hạnh, thi cố khả dữ thù tạc, khả dữ hựu thần hĩ.
Dịch: Kinh Dịch làm rõ rệt cái đạo và làm cho đức hạnh có cái gì như huyền bí (thần, cho nên có thể giúp chúng ta (thích) ứng được với biến cố và giúp được thần linh nữa (hoặc giúp cho cái công thần hoá).
Chú thích: Tiết này tối nghĩa. Chúng tôi theo R. Wilhelm và J. Legge cho chữ thần 神 là động từ như chữ hiển 顯, và dịch như trên. Nguyễn Duy Tinh (sách đã dẫn) cho thần là danh từ như đức hạnh và dịch là: “Làm rõ rệt đạo, thần, đức, hạnh nên có thể cùng ứng đối, cùng giúp cho cái công thần hoá vậy.”
10. Tử viết: “Tri biến hoá chi đạo giả, kỳ tri thần chi sở vi hồ?”
Dịch: Thầy (Khổng) nói: “ai biết được đạo biến hoá thì biết được việc làm của thần chăng?”
(Chương này nói về sự mầu nhiệm của những con số và về phép bói, chúng tôi cũng dịch trọn để độc giả thấy Kinh Dịch từ đời Hán đã bớt đi tính cách triết mà mang tính huyền bí ra sao).