Saturday, February 28, 2015

Chương 9

(Chương này Phan Bội Châu bỏ trọn)
1. Dịch chi vị thư dã, nguyên thủy yếu chung dĩ vi chất dã. Lục hào tương tạp, duy kỳ thời vật dã.
Dịch: Trong Kinh dịch mỗi quẻ bắt đầu từ hào sơ, kết thúc ở hào thượng, đó là đủ thẻ của quẻ. Sáu hào là sáu thành phần của quẻ, xen lẫn nhau, chỉ cho biết ý nghĩa tùy từng thời thôi.
Chú thích: Nghĩ là khi xét ý nghĩa của quẻ thì phải xem toàn thể sáu hào; khi xét mỗi hào thì chỉ biết sự biến chuyển vào một thời nào đó thôi.
2. Kỳ sơ nan tri, kỳ thượng di tri, bản mạt dã. Sơ từ nghĩ chi, tốt thành chi chung.
Dịch: Ý nghĩa hào sơ khó biết, ý nghĩa hào thượng dễ biết, vì hào sơ trỏ lúc đầu (chưa biết sự việc biến chuyển ra sao), hào thượng trỏ lúc cuối lúc mãn cuộc, mọi biến chuyển đã biết rõ rồi). Lời đoán hào sơ là lời đăn đo tính toán; kết quả tốt cuối mới biết.
3. Nhược phù tạp vật soạn đức, biện thị dữ phi, tắc phi kỳ trung hào bất bị.
Dịch: còn như muốn biết việc làm và tính cách của mỗi sự việc, phân biệt phải trái, thì phải xét (bốn ) hào ở giữa mới đủ được.
4. Y, diệc yêu (1) tồn vong cát hung, tắc cư khả tri hĩ. Trí giả quan kỳ thoán từ, tắc tự quá bán hĩ.
Dịch: Ôi, muốn biết (1) về sự mất còn, tốt xấu có thể dễ dàng (2) biết được. Kẻ sáng suốt (trí) xem lời thoán từ (lời đoán toàn quẻ) thì nghĩ ra được quá nửa rồi.
Chú thích: (1) chữ yêu ở đây R. Wilhelm đọc là yếu, nghĩa là quan trọng ,và dịch: cái điều quan trọng nhất về mất còn, tốt xấu.
(2) chữ cư 居 này chúng tôi đoán nghĩa như vậy, không biết đúng không.
5. Nhị dữ tứ đồng công nhi dị vị, kỳ thiện bất đồng. Nhị đa dự, tứ đa cụ, cận dã. Nhu chi vi đạo, bất lợi viễn giả, kỳ yếu vô cữu kỳ dụng nhu trung dã.
Dịch: Hào 2 và hào 4 cùng “công” (cùng ở vị trí ngẫu – chẵn – tức 2 và 4) mà khác bậc (cao thấp khác nhau: 2 ở dưới, 4 ở trên) cái hay do đó cũng khác nhau. Hào 2 được nhiều tiếng khen, hào 4 thì nhiều sợ hãi (vì hào 4 ở gần hào 5 là gần vua). Một hào nhu (nghĩa là ở vị trí ngẫu) mà ở xa (1) thì không lợi, nhưng điều quan trọng là khỏi bị lỗi, mà (hào 2) được lợi là nhu thuận mà đắc trung (2) (do đó không bị lỗi).
Chú thích: (1) Ở xa hào 5, xa vua.
(2) Trong mỗi quẻ, hào 2 ở giữa nội quái và hào 5 ở giữa ngoại quái, gọi là đắc trung, tốt. Coi phần I, chương IV.
6. Tam dữ ngũ đồng công nhi dị vị, tam đa hung, ngũ đa công, quí tiện chi đẳng dã. Kỳ nhu nguy, kỳ cương thăng (1) da?
Dịch: Hào 3 và hào 5 cùng “công” (công ở vị trí cơ – lẻ - tức 3 và 5) mà khác bậc (3 ở thấp, 5 ở cao). Hào 3 gặp nhiều cái xấu, hào 5 làm được nhiều việc lớn, là do sang hèn khác nhau. Ở vị trí cơ, nhu nhược thì nguy, cương cường mới kham được chăng?
Chú thích: R. Wilhelm và J.Legge đều đọc là thắng và dịch là thắng. Theo Chu Hi thì phải đọc là thăng.

Chương 8

1. Dịch chi vi thư dã bất khả viễn.
Vi đạo dã lũ thiên
Biến động bất cư,
Chu lưu lục hư,
Thượng hạ vô thường,
Cương nhu tương dịch
Bất khả vi điển yếu,
Duy biến sở thích.
Dịch:
Sách dịch không thể quên (1)
Đạo Dịch thường biến thiên.
Biến động không ngừng.
Xoay quanh sáu cõi (2)
Thăng giáng không nhất định (3)
Cương nhu (dương âm) thay nhau.
Không dùng làm khuôn mẫu bất dịch được (4)
Có biến hoá mới thích hợp.
Chú thích: Tiết này có âm tiết, có vần gần như thơ, đại ý bảo Dịch là Biến Dịch.
(1) Không thể quên hay không thể rời được vì Dịch là sách hướng dẫn ta trong mọi việc hằng ngày. Có người hiểu là Dịch không xa rời âm dương được. vì căn bản của Dịch là âm dương.
(2) Lục hư ở đây có thể hiểu là 6 hào trong mỗi quẻ.
(3) Vì “dương” thẳng mà cương có khi giáng; âm giáng cũng có khi thăng.
(4) Điểm yếu là khuôn mẫu bất dịch cho mọi việc mọi thời được.
2. Ký xuất nhập dĩ độ,
Nội ngoại sử tri cụ.
Dịch: (Dịch) ra vào có chừng mực.
(việc) trong (việc) ngoài, (Dịch) khuyên ta phải thận trọng.
Chú thích: Tiết này tối nghĩa, e sót chữ hay lầm Phan Bội Châu không dịch.
3. Hựu minh ư ưu hoạn dữ cố,
Vô hữu sư bảo,
Như lâm phụ mẫu.
Dịch: (Dịch) lại làm cho (ta) rõ sự lo lắng và nguyện ước.
(Cho nên) ta tuy không có thầy mà như được cha mẹ săn sóc (vì có Kinh Dịch) .
Chú thích: tiết này Phan Bội Châu cũng bỏ.
3. Sơ suất kỳ từ nhi quĩ kỳ phương.
Ký hữu điển thường,
Cẩu phi kỳ nhân,
Đạo bất hư hành.
Dịch: Mới đầu do lời (Thoán từ, Hào từ) mà đắn đo ý nghĩa,
Khi thấy qui tắc rồi,
Nhưng nếu không phải là người (sáng suốt) thì cũng không thi hành đạo (dịch) được.
Chú thích: Hai câu cuối có thể hiểu là:
Nhưng nếu không có người (sáng suốt)
Thì đạo (Dịch) không thể sáng tỏ được.

Chương 7

1. Dịch chi hưng dã, kỳ ư trung cổ hồ? Tác Dịch giả kỳ hữu ưu hoạn hồ?
Dịch: Đạo dịch hưng thịnh lên ở thời trung cổ chăng? Người làm Dịch có điều ưu tư lo lắng đấy chăng?
Chú thích: tiết này ám chỉ thời Văn Vương, Văn Vương bị Trụ giam ở ngục Dữu Lý mà đặt ra Thoán từ cho mỗi quẻ.
2. Thị cố, Lý, đức chi cơ dã; Khiêm, đức chi bính dã; Phục, đức chi bản dã; Hằng, đức chi cố dã; Tổn, đức chi tu dã; Ích, đức chi dụ dã; Khốn đức chi biển dã; Tỉnh, đức chi địa dã; Tốn, đức chi chế dã.
Dịch: Quẻ Lý là cái nền của đức, quẻ Khiêm là cái cán của đức, quẻ Phục là gốc của đức; quẻ Hằng là cái bền vững của đức; quẻ Tổn là sự trau giồi đức; quẻ Ích là sự nẩy nở đầy đủ của đức; quẻ Khốn là để nghiệm xem đức cao hay thấp; quẻ Tỉnh là sự dày dặn của đức; quẻ Tốn là sự chế ngự đức (cho nó thuần thục, linh hoạt).
Chú thích: tiết này nói về chín quẻ giúp cho người ta tu đức.
Lý là lễ (coi phần dịch 64 quẻ) cung kính, cẩn thận, cho nên gọi là nền của đức. Khiêm là khiêm tốn. Phục là trở lại, hoàn phục thiên lý. Hằng là giữ lòng cho bên, không biến đổi. Tốn là bớt lòng dục, lòng giận. Ích là làm cho đức tăng tiến. Khốn là gặp nghịch cảnh, mới kiểm điểm được đức của mình. Tỉnh là giếng khơi nước không cạn, cũng không tràn, mọi người đều lại lấy nước, ý nói công dụng đầy khắp, dày dặn. Tốn là thuận theo lẽ phải mà chế ngự đức.
3. Lý, hoà nhi chí; Khiêm tốn nhi quan; Phục, tiểu nhi biện ư vật; Hằng, tạp nhi bất yếm; Tổn, tiên nan nhi hậu dị; Ích trưởng dụ nhi bất thiết; Khổn, cùng nhi thông; Tỉnh, cư kỳ sở nhi thiên; tốn, Xứng nhi ẩn.
Dịch: Lý, thì ôn hoà mà (đạo nghĩa) tới cực điểm; Khiêm (tự hạ) thì lại được tôn trọng mà vẻ vang; Phục tuy nhỏ (vì một hào dương ở dưới 5 hào âm) nhưng việc gì cũng biện biệt được (vì dương là ánh sáng, âm là bóng tối, một dương 5 âm như một ngọn đèn trong phòng tối); Hằng thì ở thời phức tạp mà giữ được đức, chứ không chán; Tốn (bớt tư dục) thì mới đầu tuy khó sau (thành thói quen) hoá dễ; Ích (là thêm) thì nảy nở thêm (một cách tự nhiên mà không tốn công sắp đặt, Khốn thì thân tuy cùng mà đạo vẫn thông, nhờ đó hết cùng thì sẽ thông. Tỉnh thì tuy ở một nơi mà ơn nhuận lưu hành khắp (như nước giếng); Tốn thì xứng hợp với mọi hoàn cảnh mà không để lộ tài đức ra.
4. Lý dĩ hoà hạnh, Khiêm dĩ chế lễ; Phục dĩ tự tri; Hằng dĩ nhất đức; Tổn dĩ viễn hại, Ích dĩ hưng lợi; Khốn dĩ quả oán; Tỉnh dĩ biện nghĩa; Tốn dĩ hành quyền.
Dịch: (dùng) quẻ Lý để điều hoà tính của mình; quẻ Khiêm để điều chế điều lễ, quẻ Phục để làm (chữ tri ở đây có nghĩa là làm chủ) mình; quẻ Hằng để cho đức của mình được thuần nhât, quẻ Tốn để tránh xa mọi cái hại; quẻ Ích để hứng khởi mọi cái lợi; quẻ Khốn để khi hoạn nạn ít phải oán hận; quẻ Tỉnh để biện minh điều nghĩa, quẻ Tốn để biết quyền biến.